Thứ Ba, 28/09/2021, 18:01 (GMT+7)
.

Khi nào mới thông?

Bất kể mọi lời kêu gọi, tuyên bố và giải pháp từ các bộ ngành chức năng, trên thực tế tình hình tiêu thụ nông sản ở khu vực phía Nam vẫn hết sức bi đát.

Rau, củ, quả tại Nông trường Sông Hậu (TP Cần Thơ) được giải cứu với cách bán tính bằng “mớ”, thu nhập không đủ nông dân trả chi phí sản xuất. Ảnh cand.com.vn
Rau, củ, quả tại Nông trường Sông Hậu (TP Cần Thơ) được giải cứu với cách bán tính bằng “mớ”, thu nhập không đủ nông dân trả chi phí sản xuất. Ảnh cand.com.vn

Từ Lâm Đồng đến Đồng bằng sông Cửu Long, hàng ngàn nông dân điêu đứng, phải chịu cảnh nông sản đổ đống đến hư hỏng, bán rẻ như cho hoặc nhổ bỏ. Trong khi đó, mỗi ngày lại có khoảng 400 xe tải chở hàng ngàn tấn rau củ từ Trung Quốc sang tiêu thụ ở thị trường Việt Nam(*).

Số liệu thống kê tại cửa khẩu đường bộ quốc tế số 2 Kim Thành (Lào Cai) cho thấy trong ngày 14-9 có trên 350 xe rau, củ Trung Quốc được đưa vào Việt Nam, tổng cộng khoảng 3.200 tấn. Nông sản nhập từ Trung Quốc là những loại thông thường như củ cải trắng, cà rốt, khoai tây, súp lơ, cải thảo, cà chua. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hàng rau quả tháng 8 nhập từ Trung Quốc trị giá gần 35 triệu đô la(**).

Các quy định kiểm soát, phong tỏa phòng dịch Covid-19 khiến lưu thông, cung ứng rau từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ bị đứt gãy hoàn toàn. Một loạt chợ đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh ngừng hoạt động, nguồn cung trung chuyển từ phía Nam ra miền Bắc bị cắt đứt. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung đã tạo ra cơ hội và lợi thế cho hàng Trung Quốc tràn vào chiếm lĩnh thị trường ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung.

Tại Đà Lạt, giá rau nhiều lúc chỉ còn 4.000-5.000 đồng/kg trong khi giá thuê xe tải lại tăng gấp 2-3 lần nên nông dân đành bỏ không thu hoạch. Tại Tiền Giang, giá nhãn cơm vàng từ mức 30.000 đồng rớt còn 6.000 đồng/kg mà cũng không bán được vì thương lái cho biết mua về cũng không biết bán đi đâu.

Có trường hợp như ở Sóc Trăng, nơi có đàn bò sữa gần 10.000 con với sản lượng 28 tấn sữa một ngày, chốt kiểm dịch tự ý chặn xe thu mua sữa không cho qua khiến người dân phải đổ bỏ sữa trước khi chính quyền tỉnh can thiệp yêu cầu bỏ lệnh cấm.

Tình trạng ùn ứ nông sản khắp miền Nam đã kéo dài từ tháng 7 đến nay, khi một loạt địa phương áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, đóng cửa chợ, lập chốt kiểm dịch. Dù Bộ Giao thông Vận tài xây dựng “luồng xanh” cho xe chở nông sản, luồng hàng hóa vẫn không được khơi thông.

Có thể nói, cả 4 khâu trong chuỗi cung ứng: thu hoạch, thu mua, vận chuyển và tiêu thụ trong ba tháng qua đều bị ách tắc vì nhiều lý do. Chuỗi cung ứng hàng hóa muốn khơi thông phải từ đầu vào đến đầu ra, không thể chỉ bằng một vài biện pháp đơn lẻ. Chuỗi cung ứng có thể ví như mạch máu đang bị những cục máu đông - các biện pháp chống dịch cực đoan - gây tắc nghẽn.

Một số địa phương cứng nhắc trong áp dụng, nhất là một số cán bộ trực chốt tại xã. Có nơi không cho người dân ra đồng, ruộng ở xã thuộc huyện này nhưng máy gặt từ xã khác thuộc huyện giáp ranh đi qua bị chốt chặn lại với lý do “đã có quy định ai ở đâu ở yên đó”.

Ngay từ cửa vào đầu tiên của chuỗi cung ứng là thu hoạch đã bị vướng. Người dân không có đủ nhân công thu hoạch nông sản vì người làm thuê và máy móc (như máy gặt lúa) không qua được chốt kiểm soát. Tiếp theo là các quy định quá khó khăn về xét nghiệm khiến người đi làm thuê bỏ cuộc vì không thể cứ 2-3 ngày lại tốn 200-300 ngàn đồng cho chi phí xét nghiệm, quá nhiều so với thu nhập của họ.

Thương lái, những người trong hệ thống chân rết thu gom nông sản cũng bị làm khó tương tự. Với đặc thù di chuyển nhiều nơi để mua nông sản nhưng có nơi, các chốt kiểm soát đã đòi hỏi nhiều điều kiện “trên trời” như yêu cầu xuất trình hợp đồng thu mua nên họ phải bỏ cuộc.

Sau thu hoạch, thu mua thì vận chuyển cũng không đơn giản kể cả xe có mã luồng xanh. Ghi nhận thực tế tại tỉnh Long An với một xe tải đi chở nông sản do thương lái thu mua, chỉ chạy trong phạm vi 2 huyện, hành trình từ điểm lấy hàng đến kho, điểm giao hàng phải vượt qua ít nhất 14 chốt kiểm soát(***) và trên toàn tỉnh này có 650 chốt.

Cuối cùng, khâu tiêu thụ cũng không đơn giản. Ngay tại TP. Hồ Chí Minh, khi các chợ đầu mối được mở lại làm điểm trung chuyển từ đầu tháng 9 này, tình hình cũng không khả quan vì vướng một số quy định.

Trước dịch, mỗi đêm lượng hàng về 3 chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức khoảng 7.000 - 10.000 tấn gồm rau củ quả, thuỷ hải sản và thịt gia súc, gia cầm. Hiện tại, lượng hàng hóa về các chợ này rất ít so với trước đây, bình quân chỉ khoảng 200 - 300 tấn/ngày. Thậm chí có ngày rất thấp như chợ đầu mối Hóc Môn, hôm 22-9, lượng hàng về chợ chưa tới 1 tấn.

Theo các thương nhân, nhiều quy định nghiêm ngặt khiến họ không muốn tham gia làm điểm trung chuyển. Ví dụ, ngoài việc xét nghiệm Covid 3 ngày/lần, họ còn phải đăng ký 12 tiếng trước giờ tập kết hàng hóa bao gồm thông tin chủng loại, số lượng hàng hóa, số xe tải, thương lái, giờ vào chợ. Quy định này khiến nhiều tiểu thương gặp khó trong việc tập kết vì không thống nhất được giờ giấc với xe container chở hàng(****).

Thật là nghịch lý khi nông sản từ tận Vân Nam (Trung Quốc) có thể đi đến tận miền Trung qua hàng ngàn cây số, trong khi nông sản từ Đà Lạt hay Cà Mau không vượt qua nổi 300 km để đến TP. Hồ Chí Minh một cách suôn sẻ.

Nếu cứ tiếp tục tự làm khó nhau vì các quy định cứng nhắc, không thực tế, nông dân sẽ ngừng nuôi trồng trong niên vụ cuối năm. Hậu quả tất yếu là tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nông sản thực phẩm vào đầu năm sau là viễn cảnh khó tránh khỏi!

(Theo thesaigontimes.vn)

(*) https://plo.vn/kinh-te/nong-san-trung-quoc-van-qua-viet-nam-thuan-loi-400-xe-moi-ngay-1010599.html
(**) https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/nong-san-trong-nuoc-e-rau-qua-trung-quoc-van-nhap-o-at-1452579.html
(***) https://vnexpress.net/nong-san-mien-tay-trong-vong-xoay-dich-benh-4350358.html
(****) https://zingnews.vn/vi-sao-hang-hoa-ve-cho-dau-moi-tphcm-thap-ky-luc-post1265836.html

.
.
.