Những tác động tích cực từ đại dịch
TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang đối mặt với cơn đại dịch Covid-19. Truyền thông và mạng xã hội liên tục đăng tải những tin tức đau lòng. Đại dịch chắc chắn rồi sẽ qua đi nhưng giờ đây, ngoài việc tỉnh táo chống chọi, thì niềm tin, sự lạc quan và những suy nghĩ tích cực sẽ là động lực để chúng ta hướng về phía trước. Bài viết này nhằm chia sẻ yếu tố tích cực mà cơn đại dịch Covid-19 đã và sẽ đem lại trong hiện tại cũng như trong tương lai.
Kinh tế trực tuyến (online) lên ngôi
Trước đại dịch, câu chuyện phát triển kinh tế online trên thế giới đã được bàn luận và nhìn thấy trước. Tuy vậy, giãn cách xã hội quá dài như đã và đang diễn ra sẽ khiến người dân, cả lực lượng cung và cầu, quen dần và hình thành tập quán mới khi tham gia nền kinh tế online. Người ta quen mua bán, đặt hàng, giao dịch, sử dụng dịch vụ giáo dục, thể dục thể thao, y tế, truyền thông thông qua online.
Hàng loạt các loại hình phục vụ cuộc sống như điện ảnh, truyền thông, nghệ thuật sẽ thay đổi theo xu hướng số hóa trên môi trường Internet.
Trong hoạt động doanh nghiệp do có thời gian quá dài bắt buộc làm việc tại nhà sẽ giúp các giao tiếp online trở thành một thói quen. Người ta sẽ sử dụng các cuộc họp online thay thế cho các cuộc gặp mặt truyền thống. Chắc chắn hàng loạt các cửa hàng ảo, văn phòng ảo, phòng trưng bày ảo, hội chợ triển lãm ảo,… sẽ hình thành sau đại dịch giúp các hoạt động trở nên thuận tiện, giảm thiểu chi phí và an toàn hơn.
Nhu cầu sống và xu hướng đầu tư mới được hình thành
Lịch sử đã chứng minh rằng sự đổi mới mạnh mẽ thường được tạo ra và phát triển trong thời kỳ khủng hoảng. Qua đại dịch, nhu cầu tiêu dùng những sản phẩm xanh, thân thiện môi trường sẽ tác động đến hướng đầu tư bảo vệ môi trường và an toàn cho sức khỏe con người. Trên khắp thế giới, các doanh nghiệp đang phải tự làm mới mình, tự xoay chuyển để tìm ra hướng đi mới, làm ra những sản phẩm có khả năng tái sinh và tiến tới nền kinh tế tuần hoàn.
Việc bùng phát dịch dẫn đến tử vong hàng loạt ở các khu mật độ dân cư cao sẽ là dấu ấn khó phai nhòa trong ký ức ít nhất một hay hai thế hệ. Chắc chắn sau đại dịch, nhu cầu sống ở ngoại ô, vùng biển, vùng núi, nơi không khí trong lành, gần gũi thiên nhiên, mật độ dân cư thấp sẽ là xu hướng không chỉ người giàu có mà cả người dân bình thường sẽ hướng đến.
Hướng đầu tư bất động sản qua đó cũng chuyển dần sang những vùng ngoại ô hay các tỉnh thành xa, gần gũi với thiên nhiên. Xu hướng du lịch cũng sẽ thay đổi mạnh mẽ. Chắc chắn du khách sẽ hạn chế tới các nơi đông đúc, ồn ào mà chuyển tới các khu du lịch sinh thái ngoài hải đảo, các bãi biển hoang sơ hay các vùng cao nguyên.
Lực lượng lao động quay về nông thôn
Làn sóng người lao động ở các thành phố lớn trở về quê sẽ gây mất mát lực lượng lao động trong tương lai cho các doanh nghiệp ở các đô thị lớn sau đại dịch. Tuy nhiên, chính việc này sẽ tác động tích cực, giúp giảm áp lực về số lượng dân tại các thành phố lớn, giảm áp lực cho hạ tầng đô thị, chuyển dịch lực lượng lao động để phát triển các vùng nông thôn.
Từ đó, các nhà đầu tư sẽ mạnh dạn hơn cho việc mở nhà máy, cơ sở kinh doanh, phát triển bất động sản tại các vùng nông thôn. Trước đại dịch, người ta lo ngại việc dồn nguồn lực phát triển cho đô thị lớn làm mất sự cân bằng. Nay, đại dịch đang tạo ra sự cân bằng hơn cho việc phát triển kinh tế đồng đều giữa các vùng nông thôn và thành thị.
Bộ máy công quyền thay đổi
Đại dịch có thể ví như lửa thử vàng, như cơn đại hồng thủy thử thách tài năng, bản lĩnh và nhân cách của các vị lãnh đạo. Bên cạnh những lãnh đạo đã hết lòng hết sức vì dân thì cũng để lộ ra những quan chức yếu kém năng lực, không dám chịu trách nhiệm đã dẫn tới hậu quả lớn. Những câu chuyện về việc thay đổi đội ngũ quản lý ở các tỉnh thành, về kỷ luật các quan chức lơ là chống dịch đã minh chứng cho điều đó. Chính qua cơn đại dịch là lúc để sàng lọc đội ngũ công chức yếu kém và hình thành đội ngũ công chức có năng lực hơn.
Các hoạt động quản lý nhà nước cũng bắt buộc chuyển sang số hóa từ ngay trong đại dịch. Việc này sẽ giúp cho hoạt động của bộ máy nhà nước không chỉ hiệu quả hơn mà còn minh bạch hơn và ngăn chặn được tham nhũng.
Con người sống nhân ái hơn
Những ngày qua tại TPHCM và các vùng lân cận, trước những đau thương do cơn đại dịch gây ra đối với người thân, đồng nghiệp, hàng xóm…, chúng ta được chứng kiến không ít những câu chuyện cảm động về sự giúp đỡ và tấm lòng của những nhà hảo tâm, về sự hy sinh xả thân của các y bác sĩ ở tuyến đầu, của các đội quân tình nguyện,… Những tấm lòng nhân ái dành cho đồng loại là yếu tố tích cực nhất cho thấy trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, người dân TPHCM và cả nước đang siết chặt tay nhau hơn. Chắc chắn sau cơn đại dịch, hình ảnh những người bác sĩ, quân đội hay công an sẽ được cải thiện rất nhiều trong con mắt người dân.
Trong mỗi gia đình, tình cảm yêu thương gắn bó trở nên sâu sắc hơn khi cuộc sống đang “treo” mong manh hơn bao giờ hết. Những danh lợi giờ chỉ là phù du. Dù là người giàu sang hay nghèo khó, dù là người quyền chức hay thường dân đều cảm thấy đồng lòng như cùng trên con thuyền giữa biển cả. Những sợi dây ấy sẽ thắt chặt tình cảm con người để rồi sau khi vượt qua cơn đại dịch, mối quan hệ gia đình, xã hội, đồng nghiệp, đối tác… sẽ có những chuẩn mực sống cao đẹp hơn, nhân ái, vị tha hơn.
Môi trường trong sạch và lối sống vệ sinh
Đại dịch Covid-19 đang có những tác động tích cực rõ rệt đối với môi trường sống. Không khí trong lành hơn, đại dương và sông ngòi giảm ô nhiễm, thiên nhiên và động vật đang quay trở lại.
Các thói quen của người dân thay đổi sau đại dịch. Đơn giản như thói quen rửa tay, sử dụng khẩu trang, vệ sinh cá nhân vốn bị xem nhẹ ở các vùng đời sống thấp thì sau đại dịch sẽ trở thành thói quen tốt. Con người có ý thức hơn đối với việc chăm sóc sức khỏe bản thân và giữ gìn không gian sống.
Đại dịch Covid-19 đang mang lại cho loài người nhiều đau thương nhưng đồng thời cho chúng ta nhiều bài học. Nó cũng tạo cho chúng ta nhiều động lực tích cực để tiến lên phía trước.
(Theo thesaigontimes.vn)