Hãy trân trọng thành quả
(ABO) Sự kiện 2 ổ dịch mới xuất hiện tại 2 doanh nghiệp ở xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, với tổng số đến nay hơn 120 ca F0, dù đã được xử lý kịp thời nhưng cũng cho thấy nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng và các tỉnh, thành trong khu vực nói chung còn rất hiện hữu.
Điều đáng lo ngại hơn, sau thời gian thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, người dân trong tỉnh được đi lại bình thường, chợ, cửa hàng tiện ích, ăn uống được phép hoạt động dù mỗi loại hình có điều kiện kèm theo nhưng nếu chỉ cần chủ quan, vô ý thì nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng cũng rất cao.
Nhìn từ thực tiễn, con số thống kê của ngành Y tế cho thấy, số ca nhiễm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang những ngày gần đây có dấu hiệu tăng, trong đó có cả các ca nhiễm trong cộng đồng. Chẳng hạn, ngày 24-10 Tiền Giang ghi nhận 78 ca F0, trong đó có 4 ca trong cộng đồng; ngày 25-10 ghi nhận 111 ca, trong đó có 15 ca trong cộng đồng và ngày 26-10 ghi nhận 121 ca, trong đó có 28 ca trong cộng đồng.
Tiền Giang đang tăng cường tiêm vắc xin cho người dân để góp phần cho công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả hơn. Ảnh: Minh Thành. |
Đánh giá của ngành Y tế cho thấy, yếu tố nguy cơ lây nhiễm tập trung vào các nguyên nhân chính như: Có sự giao lưu, đi lại giữa các hộ dân trong các khu vực phong tỏa; truy vết sót F1 do người dân khai báo không trung thực về lịch trình và tiếp xúc; người đi khám bệnh ở vùng có dịch về lây nhiễm cho người sống cùng nhà; người dân về từ các tỉnh, thành có tình hình dịch bệnh phức tạp (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An) với số lượng lớn có nguy cơ mang mầm bệnh và lây nhiễm cho người nhà và cộng đồng; một số trường hợp thuộc đối tượng nguy cơ không thực hiện xét nghiệm sàng lọc định kỳ theo quy định, làm lây nhiễm cho người sống chung nhà và người thân tiếp xúc gần; người trong tỉnh đi đến tỉnh đang có dịch quay về không tự giác khai báo, làm lây nhiễm cho những người sống cùng nhà…
Đánh giá tình hình dịch bệnh những ngày gần đây, nhất là đối với các tỉnh, thành phía Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, phải tiếp tục nâng cao cảnh giác trước nguy cơ dịch bệnh tại các tỉnh Tây Nam bộ, khi lượng người từ các tỉnh, thành như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về khu vực này rất đông, với tỷ lệ người nhiễm Covid-19 khoảng 1,6%, tiềm ẩn khả năng lây lan ra cộng đồng rất lớn, đặc biệt đối với địa bàn chưa kịp tiêm bao phủ vắc xin mũi 1.
Bên cạnh đó, các tỉnh Tây Nam bộ phải giám sát chặt người từ vùng dịch về, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, giám sát y tế, xét nghiệm, cách ly theo điều kiện thực tiễn tại địa phương theo các hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, hệ thống y tế sẵn sàng ứng phó nguy cơ dịch ở cấp độ 4, nhất là oxy y tế, “tháp điều trị 3 tầng”, chuẩn bị kế hoạch thành lập trạm y tế lưu động…
Phải mất một thời gian dài, rất nhiều khó khăn, vất vả mới có được những thành quả bước đầu trong công tác phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Chính vì vậy, việc bảo vệ những thành quả này là vô cùng ý nghĩa. Bởi đó không còn là sự an toàn đơn thuần mà còn là sự sống của mỗi con người. Và vì thế mọi người hãy cùng nhau trân trọng thành quả hiện có.
T.A