.

Đại dịch không chỉ mang lại sự mất mát

Cập nhật: 16:17, 13/10/2021 (GMT+7)

(ABO) Cơn đại dịch mang tên SARS-CoV-2 dần đi qua, nhiều người cứ nghĩ nó chỉ mang lại nhiều hệ lụy và sự mất mát. Nhưng cũng có một góc nhìn khác, đó là dịch giã còn mang đến không ít cơ hội.

Khi phân tích tác động của đại dịch Covid-19, nhiều chuyên gia đánh giá rằng, SARS-CoV-2 không chỉ là thách thức, khó khăn mà còn là cơ hội cho phát triển đất nước. Thông điệp này cũng được nhắc đến trong Kế hoạch Truyền thông chống dịch COVID-19 giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của Tiểu ban Truyền thông (Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19).

Trên cơ sở đánh giá tác động từ thực tiễn, nếu không tận dụng được các cơ hội để vươn lên thì mất mát do SARS-CoV-2 để lại sẽ chỉ là mất mát. Cơ hội được đưa ra là sự điều chỉnh của toàn cầu hóa, đó là coi trọng thị trường trong nước, coi trọng hơn sự tự cường.

a
Y tế là trụ cột trong phòng, chống dịch. Ảnh: Hạnh Nga.

Bên cạnh đó, y tế là trụ cột, nhất là y tế cơ sở và cần đầu tư nhiều hơn; phát triển ngành công nghiệp dược, trang thiết bị y tế; đẩy nhanh chuyển đổi số; sự bộc lộ các điểm yếu của hệ thống quản trị và năng lực quản trị để từ đó khắc phục; ra những quyết định lớn; chưa kể cân bằng hơn cuộc sống vật chất và tinh thần; thúc đẩy phát triển bền vững là phát triển xanh và số. Nhìn ở khía cạnh khác, sự linh hoạt, thích nghi nhanh của người Việt Nam cũng là một lợi thế trong lúc có nhiều sự thay đổi này.

Những kinh nghiệm ban đầu được rút ra từ đợt bùng phát dịch thứ 4 nhất là ở các tâm dịch đã dần được kiểm soát, nhất là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An là rất quan trọng, giúp chúng ta có khả năng chống dịch tốt hơn, tự tin hơn để ngăn chặn bùng phát mới cũng như để xử lý tốt hơn nếu có bùng phát mới.

Chưa kể, thời gian qua, các tỉnh kiểm soát được dịch thì vẫn có tăng trưởng tốt, các dự án lớn vẫn được khởi công. Từ nay đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có 110 triệu liều vắc-xin, đặc biệt việc tiêm chủng đạt tỷ lệ cao trong tháng 10, 11 sẽ thay đổi cục diện phòng, chống dịch, thực sự chuyển từ thế phòng ngự sang tấn công, sang thích ứng an toàn. Tốc độ tiêm chủng, từ chỗ rất thấp, đã cao hơn trung bình thế giới, đến cuối tháng tỷ lệ tiêm sẽ cao hơn một số nước trong khu vực. Đây là thành công của Chiến lược vắc xin của Việt Nam.

Theo đánh giá chung, con đường phía trước đã rõ hơn, từ nay đến cuối năm 2021, các tỉnh có dịch chuyển sang thích ứng an toàn; từ năm 2022, chuyển trạng thái bình thường mới, chung sống an toàn, vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tất nhiên, mỗi tỉnh, thành sẽ có kế hoạch khôi phục an toàn, nhất là đối với các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề như dịch vụ, du lịch, hàng không.

Chúng ta bình tĩnh nhìn nhận những tác động của SARS-CoV-2, cả thách thức và cơ hội cũng như những bài học kinh nghiệm được rút ra trong đợt ứng phó với cơn càn quét thần tốc của dịch Covid-19 vừa qua, để làm tiền đề cho những bước đi tiếp theo.

Bởi suy cho cùng, mục đích cuối cùng của công tác phòng, chống dịch là đưa cuộc sống trở lại bình thường, trong đó giải pháp y tế là quan trọng. Một cuộc sống bình thường trở lại phải được tạo dựng từ sự bình tĩnh, nhất quán trong ứng xử với dịch bệnh của các cấp chính quyền, từ thái độ, tâm thế và kỹ năng của mỗi người dân trong việc tự kiểm soát, tự bảo vệ mình và cộng đồng trong sinh hoạt hằng ngày.

T.T

.
.
.