Thứ Bảy, 13/11/2021, 20:24 (GMT+7)
.

Hãy hành động vì một thế giới an lành

(ABO) Một hồi chuông để tưởng nhớ đến những đồng bào đã tử vong, các chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến với đại dịch cũng là hồi chuông cảnh tỉnh chúng ta, hãy thay đổi tư duy và hành động vì một thế giới an lành, một cuộc sống tốt đẹp hơn.

a
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và Quận 8 cùng Ban Trị sự Phật giáo Quận 8 thắp nén nhang tưởng niệm đồng bào tử vong vì Covid-19 sáng 13-11. Ảnh: TTO

Sáng 11-11, tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thông báo chủ trương của Đảng, Nhà nước là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp cùng TP. Hồ Chí Minh và các địa phương tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong, các chiến sĩ đã hy sinh vì Covid-19 theo hình thức trực tuyến. Đây là một quyết định đầy nhân văn được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ.

Và ngày 13-11, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức họp trực tuyến với các cơ quan liên quan về công tác phối hợp, chuẩn bị Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong dịch Covid-19. Theo đó, lễ tưởng niệm sẽ được tổ chức vào tối 19-11 tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh và điểm cầu TP. Hà Nội.

Lễ tưởng niệm được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, tiếp sóng trên Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh và các kênh, đài truyền hình khác của trung ương và các địa phương.

Theo báo cáo trước Quốc hội, có 22.500 đồng bào ta đã mất vì Covid-19, một con số rất đau lòng kể từ khi đất nước thống nhất năm 1975. Đau bởi những người mất vì Covid-19 đều ra đi trong lặng lẽ, cô đơn không người thân bên cạnh, những cái chết không kèn, không trống.

Vì thế, chọn một ngày để tưởng niệm những người đã mất là việc làm hết sức ý nghĩa, nhưng tổ chức buổi lễ như thế nào khi dịch vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay là chuyện cần tính đến.Tổ chức sao cho ngắn gọn, nhân văn nhưng đầy cảm xúc và truyền tải được thông điệp cho những người ở lại, chính là hiệu quả của lễ tưởng niệm.

Chúng ta đều biết dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc trên bình diện thế giới và ở Việt Nam cũng thế, đặc biệt là tại các tỉnh khu vực phía Nam, với “điểm nóng” là Đồng bằng sông Cửu Long. Dù đã cơ bản được kiểm soát, nhưng dịch vẫn có thể bùng phát bất cứ lúc nào và tính mạng của người dân vẫn bị đe dọa nếu chúng ta chủ quan, lơ là, thiếu ý thức trong phòng, chống dịch.

Vì thế, một hồi chuông tưởng niệm những người ra đi cũng là hồi chuông cảnh tỉnh tất cả chúng ta, những người ở lại. Hãy chung sức, đồng lòng thực hiện các khuyến cáo của ngành Y tế trong phòng, chống dịch để những mất mát đau thương từ vi rút SARS-CoV-2 không lặp lại.

a
Quận 8 - TP. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có số người tử vong do Covid-19 cao, có 435 người. Nhiều gia đình nạn nhân đã có mặt trong sáng 13-11 để tham dự buổi tưởng niệm do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 8 tổ chức. Ảnh: TTO

Rõ ràng, trước nỗi đau quá lớn của cả nước trong cơn đại dịch, việc tổ chức một lễ tưởng niệm là việc làm rất nhân văn, ý nghĩa. Nói theo thuyết nhà Phật thì đó cũng là cách để tâm tất cả chúng ta được an lành hơn, bớt ray rứt, đau buồn hơn với món nợ nghĩa tình với những người đã mất và lễ tưởng niệm cũng giúp cho người mất được siêu thoát. Nhiều ý kiến góp rằng nên có một ngày, một địa điểm để cả nước cùng tưởng nhớ hằng năm. Bởi đây cũng là bài học cần ghi lại để con cháu chúng ta, những thế hệ sau này nhớ về một giai đoạn lịch sử đau buồn của nhân loại, để sống ý thức và trách nhiệm hơn cùng bảo vệ hành tinh có một cuộc sống an lành trước mọi thảm họa.

Có nhiều góp ý về cách thức tổ chức, hình thức như thế nào chưa rõ, nhưng chắc chắn Lễ tưởng niệm đồng bào đã tử vong, các chiến sĩ đã hy sinh vì Covid-19 sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh tất cả chúng ta rằng dịch bệnh vẫn có thể quay trở lại bất cứ lúc nào và không loại trừ ai, nếu ta chủ quan, mất cảnh giác và tất cả chúng ta cần thay đổi suy nghĩ, thói quen sinh hoạt để thích ứng, sống chung an toàn với dịch bệnh trong điều kiện bình thường mới. 

LÊ LONG HỒ

.
.
.