.

Sức ép nhà nông

Cập nhật: 10:04, 08/01/2022 (GMT+7)

(ABO) Ông H.N.A, một lão nông ở xã Mỹ Lương, huyện Cái Bè cũng là người gắn chặt với hợp tác xã nông nghiệp mấy mươi năm, buông câu thở dài: Năm nay khó khăn quá. Khó cho hoạt động của hợp tác xã cũng như chính bản thân của mỗi nhà ông.

Ông H.N.A lý giải, tình hình dịch bệnh, tiêu thụ hàng nông sản khó khăn, trong khi giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng rất nhanh. Sức ép đối với nhà nông càng lớn hơn, dẫn đến thu nhập ngày càng thấp, đời sống khó khăn hơn.

Ông Huỳnh Nguyên Anh bên vườn cây ăn trái của gia đình.
Nông dân gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu tư tăng cao.

Dẫn chứng về chi phí đầu tư, nhiều nhà nông cũng đã than rằng, những đợt biến động giá của phân bón, vật tư nông nghiệp gần đây đã “móc túi” thêm người nông dân vốn đã nhiều khó khăn do dịch bệnh. Bằng chứng rõ nét là hiện các cửa hàng vật tư nông nghiệp hiện bán phân urê từ 800.000 - 830.000 đồng/bao, cao hơn 330.000 - 360.000 đồng/bao so với thời điểm đầu năm 2021; phân kali (Canada, Israel, Nga) từ 780.000 - 820.000 đồng/bao, trong khi tháng trước, giá khoảng 650.000 - 680.000 đồng/bao; đối với phân DAP nhập khẩu từ Trung Quốc và DAP Hàn Quốc, mức giá tăng lên rất cao từ 1,1 - 1,2 triệu đồng/bao; phân NPK  từ 800.000 - 850.000 đồng/bao, tùy loại… giá cao kỷ lục trong nhiều năm qua.

Trong khi ở chiều ngược lại, mít Thái bình quân 5.000 đồng, mận 7.000 đồng/kg, bưởi da xanh trên dưới 10.000 đồng/kg, thanh long thì đang rất khó khăn do tác động từ ùn ứ của cửa khẩu. Giá bán quá thấp, vật tư nông nghiệp tăng cao, buộc lòng người nông dân tiết giảm đầu tư, dẫn đến chất lượng nông sản cũng bị ảnh hưởng làm cho rớt loại, rớt giá. “Dịch bệnh mới đầu tưởng không có gì, nhưng cứ nhồi đi nhồi lại, ngày càng lún vào khó khăn”- ông H.N.A cho biết.

Tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn.
Tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn.

Trước bộn bề khó khăn, vụ mùa nông sản tết cũng không ít chông chênh do tác động từ sự ùn ứ của các cửa khẩu phía Bắc trong thời gian khá dài. Nếu cứ đà này thì đời sống người nông dân sẽ thêm khó khăn. Bởi con số ước tính của ngành Nông nghiệp Tiền Giang cho thấy, từ đầu tháng 1-2022 đến cuối tháng 2-2022, nông dân toàn Tiền Giang thu hoạch khoảng 400.000 tấn trái cây, bao gồm các loại chủ lực như: Thanh long, mít, xoài, khóm, sầu riêng, nhãn, bưởi, sapo.

Trong đó, thanh long, mít và sầu riêng từ lâu đã phụ thuộc rất lớn vào thị trường tiêu thụ Trung Quốc nên dự báo giá bán có thể sụt giảm. Chỉ tính riêng thanh long, toàn tỉnh Tiền Giang cũng đang chuẩn bị thu hoạch khoảng 60.000 tấn thanh long trái vụ., trong khi giá thu mua tại vườn mấy ngày qua chỉ dao động từ 4.000 - 5.000 đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ. Trước tình hình này nhiều giải pháp cũng đã được đưa ra nhằm giảm thiều khó khăn cho người nông dân.

Câu chuyện của ngành Nông nghiệp, cụ thể là giá cả các loại nông sản cứ chông chênh, dường như không phải là mới. Nó cứ được nhắc đi nhắc lại. Tất nhiên, muốn thay đổi cũng không phải là câu chuyện dễ. Một tư duy mới cho ngành Nông nghiệp cũng không ít lần được đề cập nhưng sức ép cuộc sống của người nông dân dường như ngày càng lớn hơn bởi những cơn bão giá của chi phí đầu tư luôn ngược chiều với giá bán nông sản. Sức ép nhà nông cũng từ đó được nhân lên.

T.A

.
.
.