Khi người dân thực sự hài lòng
Về đích nông thôn mới (NTM) là khi người dân đã thực sự hài lòng. Quan điểm đó được vận dụng sâu sắc, trở thành nội dung quan trọng trong Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, do Thủ tướng Chính phủ ban hành mới đây.
Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Bình Định giúp dân làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: qdnd.vn |
Theo đó, huyện nông thôn mới và thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM phải có tỷ lệ hài lòng của người dân trên địa bàn đối với kết quả xây dựng NTM đạt từ 90% trở lên; đối với huyện NTM nâng cao, tỷ lệ này phải đạt từ 95% trở lên. Như vậy, rõ ràng, "thước đo" NTM được đặt ở nơi dân với vai trò người làm chủ-một chủ trương hợp lòng dân và được kỳ vọng sẽ vận hành hiệu quả trong thực tiễn.
Quá trình xây dựng thành công NTM ở nhiều địa phương đã đúc rút nhiều kinh nghiệm, bài học quý từ việc huy động sức mạnh, sự đồng thuận và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Trong tiến trình hiện thực hóa NTM, thật khó để thống kê hết những tấm gương bà con tự nguyện hiến đất, hiến cây để làm đường, xây dựng các thiết chế văn hóa; đóng góp trí tuệ, sức người, sức của, cùng chung tay làm đổi thay diện mạo quê hương. Nhiều hộ dân không ngừng nỗ lực vươn lên, tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, làm mới nơi ở để xóa đi những ngôi nhà dột nát...
Từ phong trào xây dựng NTM, ý thức, trách nhiệm của người dân ngày càng được nâng lên. Bà con chủ động hơn trong phát triển kinh tế, tích cực bảo vệ môi trường và công trình công cộng. Lẽ đương nhiên, ở những nơi mà người dân làm được như thế, ở đó có đội ngũ cán bộ, cấp ủy, chính quyền địa phương biết tôn trọng, lắng nghe ý kiến, đề cao vai trò làm chủ của người dân và thực hiện tốt phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.
Cũng trong quá trình xây dựng NTM, không ít hạn chế, khuyết điểm bộc lộ, xuất phát từ việc áp đặt, thiếu dân chủ, công khai, minh bạch và xem nhẹ ý kiến, trí tuệ, sức mạnh từ nhân dân. Thế mới có chuyện nhiều chợ, nhà văn hóa được xây mới nhưng thường xuyên cửa đóng then cài, khu thể thao vắng lặng đìu hiu vì không thiết thực, phù hợp với nhu cầu của bà con; trong khi một số cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, trạm y tế... thì chưa được đầu tư tương xứng.
Có nơi vì sức ép thành tích, tìm mọi cách huy động nguồn lực mà không quan tâm đến điều kiện và năng lực thực tế của địa phương, dẫn đến quá sức, nợ đọng, gây bất an trong nhân dân. Hơn nữa, việc thực hiện một số tiêu chí chỉ để hoàn thành mục tiêu, chưa hướng đến nâng cao mức sống, thu nhập của người dân.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định, mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích của nhân dân. Dân là gốc chính là phát huy và bảo đảm tốt hơn, thực chất hơn quyền làm chủ của nhân dân. Để chủ trương đi vào thực tiễn cuộc sống thì lợi ích của nhân dân phải là trước hết và trên hết trong chu trình hoạch định, triển khai chính sách.
Rõ ràng, ý kiến của người dân luôn khách quan khi đánh giá thành quả xây dựng NTM, bởi họ là những người trực tiếp tham gia và thụ hưởng. Nói cách khác, mức độ hài lòng của người dân phản ánh sinh động kết quả xây dựng NTM trên địa bàn. Bởi vậy, việc quan tâm tới mức độ hài lòng của nhân dân không chỉ dừng lại ở một bước thủ tục theo quy định, mà phải luôn được đặt lên hàng đầu trong suốt quá trình xây dựng NTM tại từng địa phương. Để tỷ lệ người dân hài lòng về NTM không chỉ là con số quy định trên văn bản, các cấp, các ngành, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền làm chủ của người dân cũng như quy trình lấy ý kiến trong nhân dân.
Gần dân, hiểu dân, lắng nghe dân, dựa vào dân để xây dựng NTM và xây dựng NTM vì dân là điều mà mỗi cán bộ, cấp ủy, chính quyền địa phương cần quán triệt trong suốt quá trình thực thi nhiệm vụ. Chỉ khi người dân phấn khởi, tin tưởng, làm chủ thành quả đạt được, khi đó NTM mới thực sự hiện hữu và đúng nghĩa là đã thành công.
(Theo www.qdnd.vn)