Thứ Hai, 20/06/2022, 17:48 (GMT+7)
.
Góc nhìn giáo dục

Thay đổi quan điểm

Gặp chị bạn có con năm nay thi vào lớp 10, tôi hỏi thăm tình hình học hành của cháu xem có căng thẳng quá không, chị cười nói: “Nhẹ lắm!”. Thấy tôi ngạc nhiên, chị giải thích: “Nhà mình không cho con “chiến đấu” vào trường công lập mà cho cháu học trường ngoài công lập. Bởi vậy, cháu được giải tỏa áp lực, học vừa với sức mình, có thời gian nghỉ ngơi và đi học vẽ”.

"Cuộc đua" tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông (THPT) công lập hằng năm luôn khốc liệt và căng thẳng, đặc biệt tại các thành phố lớn. Kỳ thi năm nay của Hà Nội chứng kiến một tỷ lệ chọi cao kỷ lục trong nhiều năm qua, khi chỉ có hơn 69.000 chỉ tiêu trong gần 130.000 học sinh được xét công nhận tốt nghiệp THCS (trong đó, gần 107.000 em dự thi vào lớp 10). Còn tại TP Hồ Chí Minh, sẽ có hơn 21.000 học sinh tốt nghiệp THCS không có chỗ tại trường THPT công lập... Nguyên nhân của những cạnh tranh ấy là vì các trường THPT công lập, đặc biệt là trường có chất lượng tốt, luôn là lựa chọn số 1 của đa số học sinh bởi các em được hưởng một môi trường giáo dục bảo đảm với chi phí thấp.

TP Hồ Chí Minh đảm bảo mọi điều kiện cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh:TTXVN
TP Hồ Chí Minh đảm bảo mọi điều kiện cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh:TTXVN

Tuy nhiên, xu thế năm nay, nhiều học sinh học lực tốt lại chọn trường THPT ngoài công lập. Theo số liệu cập nhật mới nhất của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, có gần 94.000 trên tổng số hơn 108.000 học sinh lớp 9 đăng ký dự thi. Như vậy có hơn 14.000 học sinh lớp 9 không tham dự kỳ thi này vì không chọn vào trường công lập. Dường như đã có sự thay đổi không nhỏ trong nhận thức của cả học sinh và phụ huynh về lựa chọn hướng đi của con sau tốt nghiệp THCS. Họ không còn quan niệm con nhất quyết phải vào trường công, trường chuyên, lớp chọn khi lên cấp THPT.

Sau 3 năm học online do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh nhìn chung đều gặp nhiều khó khăn khi trở lại trường học trực tiếp. Nhiều phụ huynh không còn quá chú trọng đến việc con mình phải học giỏi mà quan tâm hơn vào việc phát triển hài hòa các kỹ năng khác, tăng cường kỹ năng sống, các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa đa dạng và môi trường thực hành ngoại ngữ tốt. Mặt khác, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế sẵn sàng đầu tư để con học ở môi trường chuẩn quốc tế với cơ sở vật chất hiện đại, sĩ số học sinh/lớp đạt chuẩn, có mô hình bán trú hoặc nội trú... Điều mà đa số các trường THPT công lập hiện khó có thể đáp ứng được.

Trường ngoài công lập hiện nay khá đa dạng, từ chất lượng, học phí vừa phải, phù hợp để “cứu” những học sinh yếu, đến những trường có sự đầu tư cả cơ sở vật chất và chuyên môn theo xu hướng đào tạo kỹ năng, với những triết lý giáo dục rõ ràng, giáo dục toàn diện. Với mức lương cao, trường cũng thu hút đội ngũ giảng viên giỏi và có chương trình giáo dục liên kết quốc tế giúp học sinh có điều kiện thuận lợi hơn trong tìm kiếm cơ hội du học. Cùng với đó, hệ thống trung tâm giáo dục thường xuyên cũng “lột xác”. Tỷ lệ tốt nghiệp hằng năm của học sinh hệ này lên đến 95%; tỷ lệ đỗ vào cao đẳng, đại học từ 50% đến 70%... Việc học sinh có nhiều lựa chọn và yên tâm với lựa chọn này đã góp phần giảm áp lực cho mỗi kỳ tuyển sinh đầu cấp.

Tuy nhiên, sự thay đổi, chuyển dịch này mới chủ yếu ở các thành phố lớn. Nhiều địa phương khác, hệ thống trường ngoài công lập nói chung, trường THPT ngoài công lập nói riêng còn nhiều khó khăn. Quan điểm “học dốt mới vào dân lập” vẫn là định kiến ở nhiều phụ huynh. Do đó, không ít trường tư được đầu tư cơ sở vật chất tốt, khang trang nhưng bị lãng phí nguồn lực do số lượng tuyển sinh rất thấp.

Có lẽ, chúng ta nên có cái nhìn cởi mở, dần thay đổi quan điểm về trường công-tư, để tháo chiếc “vòng kim cô” mang tên áp lực kỳ thi đang đè nặng lên con em chúng ta. Đừng để các em kiệt sức cả về thể chất và tinh thần trước khi kịp bước tới mục tiêu.

(Theo qdnd.vn)

.
.
Liên kết hữu ích
.