.

Hơn cả một kỳ thi…

Cập nhật: 14:24, 30/07/2022 (GMT+7)

Trong bối cảnh ba năm liền xã hội phải hứng chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19, với nỗ lực của ngành giáo dục, kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm nay cho thấy nhiều điểm tích cực và đáng ghi nhận. Tuy nhiên, phổ điểm được công bố cũng bộc lộ rõ hơn những vấn đề mà ngành giáo dục phải giải quyết khi thực thi đổi mới phương pháp dạy và học.

Sau kỳ thi, đây là thời điểm quan trọng để các thí sinh cân nhắc lựa chọn ngành nghề. Ảnh: Phương Nam
Sau kỳ thi, đây là thời điểm quan trọng để các thí sinh cân nhắc lựa chọn ngành nghề. Ảnh: Phương Nam

Phổ điểm đều và khá đẹp nằm ở tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa). Thêm nữa, sự thay đổi rõ nhất ở kết quả năm nay, như nhiều chuyên gia đã phân tích, nằm ở phổ điểm hai môn Lịch sử và Tiếng Anh. Nhìn nhận về phổ điểm môn Tiếng Anh năm nay có nhiều điểm tiến bộ hơn năm ngoái, GS, TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: "Sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, tuy nhiên chúng ta nên phân tích một cách thấu đáo về nguyên nhân có sự thay đổi này. Theo tôi, đất nước ta có những vùng phát triển gắn với đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh, thành phố lớn, những địa phương có tiềm năng về du lịch, người dân ở đó cũng có điều kiện và tập trung đầu tư ngoại ngữ hơn. Đây cũng được xem là những cảnh báo cho các địa phương khác trong việc tìm ra cách nâng cao chất lượng dạy và học, cũng như bảo đảm được sự đánh giá và kiểm tra thường xuyên, nghiêm túc".

Đồng tình với cách đặt vấn đề và phân tích của GS, TS Nguyễn Văn Minh, một số chuyên gia cũng nhận định, tuyển sinh đại học là phương thức nhằm xác định năng lực của một học sinh để vào học một ngành nghề nào đó. Theo TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đây là một kỳ thi thành công. Phổ điểm các môn thi đều tương đối tốt. Đặc biệt là phổ điểm môn Lịch sử, kết quả này cho thấy đề thi đã đáp ứng mục đích đánh giá tốt nghiệp. "Hiện nay, việc tuyển sinh đầu vào đã được giao cho các trường đại học tự quyết định. Và với kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, tôi cho rằng các trường có thể tin tưởng lấy kết quả này làm căn cứ để xét tuyển" - TS Ngọc nhấn mạnh.

Nhìn vào điểm thi còn phản ánh kết quả dạy và học. Ở góc độ này, chuyên gia giáo dục - TS Lê Thống Nhất cho rằng, phổ điểm một số môn thi đã có thay đổi đáng kể. Tiêu biểu là phổ điểm môn Lịch sử. Điều này chứng tỏ chúng ta đã thay đổi được phương pháp dạy - học môn Lịch sử cũng như cách ra đề thi.

Cùng đề cập đến việc đổi mới phương pháp dạy và học thời gian qua, GS, TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích: "Qua phổ điểm này chúng ta có thể đánh giá được mức độ, kết quả học tập của học sinh trên toàn quốc. Chẳng hạn, những địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định hầu hết tất cả các môn đều có phổ điểm rất tốt và tương đối sát với điểm học bạ. Những vùng như đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền núi phía bắc, Tây Nguyên, sự chênh lệch giữa điểm thi và điểm học bạ nhiều hơn".

Vị chuyên gia này cho rằng, dựa vào kết quả kỳ thi, chúng ta cũng có thể đánh giá chỉ số về giáo dục ở các địa phương, các vùng miền. Từ đó có những điều chỉnh chính sách phù hợp.

Tương tự, nhận ra những bất cập trong giảng dạy môn Ngữ văn, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.
 
Theo đó, để tiếp tục khắc phục tình trạng dạy học nặng nề về thuyết giảng, đọc chép và yêu cầu thuộc lòng theo văn mẫu; văn bản nêu rõ, cần tăng cường hơn nữa việc phát huy tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh trong quá trình học tập môn học này; dành nhiều thời gian cho các hoạt động thực hành, vận dụng, trình bày, thảo luận để rèn luyện kỹ năng đọc, viết, nói, nghe và cảm thụ thẩm mỹ theo yêu cầu, mức độ với từng lớp học, cấp học,…

Tuy vẫn còn không ít vấn đề cần khắc phục, song nhìn vào những "chuyển động" ấy, hơn cả một kỳ thi, đang cho thấy những điểm tích cực, những hy vọng. Và, một mùa tuyển sinh, với nhiều đợt xét tuyển, trong bối cảnh các cơ sở giáo dục phát huy tối đa cơ chế tự chủ - hẳn không khỏi những âu lo, song xã hội cũng đang dõi theo, giám sát với niềm trông đợi vào sự công bằng, nghiêm túc và minh bạch sẽ được thực thi.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 22/7 đến 17 giờ ngày 20/8 là thời gian dành cho thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học. Tiếp đó, từ ngày 21/8 đến 17 giờ ngày 28/8, thí sinh phải xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng trên hệ thống Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đồng thời nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng cũng bằng hình thức trực tuyến.

(Theo nhandan.vn)
 

 

 

.
.
.