.

Lời nhắc nhở của Thủ tướng và trách nhiệm của chúng ta

Cập nhật: 21:05, 08/08/2022 (GMT+7)

(ABO) Mới đây, vào sáng ngày 6-8, chủ trì Phiên họp lần thứ 16 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã nhấn mạnh: Chúng ta không bao giờ quên những ngày tháng vất vả, mất mát, hy sinh vì đại dịch Covid-19. Lúc đó, chúng ta chưa có kinh nghiệm về phòng, chống dịch, chưa có vắc xin, chưa có thuốc chữa Covid-19, phải dùng các biện pháp hành chính, dẫn đến tê liệt mọi hoạt động xã hội. Vì vậy, phải tốn nhiều công sức, nguồn lực để phòng, chống dịch bằng biện pháp hành chính, lao đao vì biện pháp hành chính. Để từ đó, phải nâng cao nhận thức trong phòng, chống dịch.

Thủ tướng nhấn mạnh, dứt khoát không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước dịch bệnh, không say sưa, ngủ quên với những kết quả đã đạt được - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng nhấn mạnh, dứt khoát không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước dịch bệnh, không say sưa, ngủ quên với những kết quả đã đạt được. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc đăng trên baochinhphu.vn).

Thủ tướng khẳng định quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là: Kiên quyết, kiên trì, kiên định kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả để góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội; đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết; phòng bệnh hơn chữa bệnh, phòng bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở; đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để vận động tiêm vắc xin và phòng, chống dịch, là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân… Thủ tướng nhấn mạnh, các cơ quan, đơn vị phải cùng nhau gánh vác, mỗi cấp, mỗi ngành đều phải lo toan, trách nhiệm với công tác phòng, chống dịch.

Trước đó, tại Hội nghị toàn quốc về tăng cường phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng vắc xin Covid-19, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thẳng thắn chỉ rõ, dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, khó lường, các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành trong nước đang mùa cao điểm làm tăng nguy cơ dịch chồng dịch, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, còn tình trạng chủ quan, lơ là, một số nơi chưa quyết liệt, chưa phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Cùng với đó, thông tin từ Bộ Y tế những ngày qua cho thấy, dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến mới phức tạp. Cụ thể, gần đây, nước ta đã ghi nhận sự xuất hiện trong cộng đồng cả hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến chủng Omicron. Đây là những biến thể gây ra nguy cơ cao dịch Covid-19 có thể lây lan mạnh mẽ. Không chỉ có vậy, các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 có khả năng tiếp tục xuất hiện, tiến hóa sẽ làm giảm miễn dịch theo thời gian và có thể khiến dịch bùng phát trở lại. 

Ngành Y tế TP. Mỹ Tho thực hiện đợt cao điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Ngành Y tế TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, thực hiện đợt cao điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn thành phố từ ngày 28-7 đến ngày 31-8-2022. Ảnh: THANH HOÀNG

Cùng với dịch Covid-19 phức tạp, các dịch bệnh lưu hành lâu nay như sốt xuất huyết, tay chân miệng và cúm tiếp tục lây lan mạnh tại nhiều nơi. Từ đầu năm 2022 tới nay, cả nước có trên 137.000 người mắc sốt xuất huyết với 45 ca tử vong (so với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 3,2 lần, tử vong tăng 31 trường hợp). Điểm nóng của dịch sốt xuất huyết tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phía Nam, như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Riêng tại Tiền Giang, tính đến tuần 31 (ngày 3-8), toàn tỉnh ghi nhận 3.636 trường hợp mắc sốt xuất huyết và đã có 3 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Còn tại phía Bắc, dịch bệnh cúm mùa, cúm A lại có số ca mắc tăng cao bất thường, trong đó riêng Hà Nội ghi nhận khoảng 3.000 ca. Đáng lo ngại, một số bệnh viện đã ghi nhận nhiều ca mắc cúm mùa bị biến chứng viêm phổi, suy hô hấp cấp rất nặng và một số trường hợp đã tử vong. Cùng với đó là dịch bệnh tay chân miệng gia tăng cục bộ tại một số địa phương, bệnh sởi ghi nhận rải rác tại một số nơi. 

Đối với dịch bệnh đậu mùa khỉ, dù Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam vào nhóm 1 - các quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh, nhưng các chuyên gia dịch tễ liên tục cảnh báo, nguy cơ dịch bệnh này xâm nhập vào nước ta rất lớn, khi nhiều quốc gia trong khu vực đã có ca mắc. Trong khi việc giao lưu, đi lại giữa các nước với nhau ngày càng thuận tiện và cởi mở. 

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, trong những thời điểm dịch bùng phát dữ dội và căng thẳng, việc cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời và rõ ràng từ các ngành Y tế, truyền thông là hết sức cần thiết đã góp phần quan trọng giúp người dân nâng cao ý thức và hành vi phòng, chống dịch. Trong khi đó, cũng có không ít trường hợp do thông tin chậm, thiếu chính xác, đã để lại những hệ lụy không nhỏ. 

Thời gian qua, những cảnh báo sau dịch Covid-19 về bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng… lây lan ở một số địa phương, cùng những thông tin về tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong đó có bệnh đậu mùa khỉ, cũng là những nhắc nhở cần thiết. Nhất là trong xu thế phục hồi, đẩy mạnh phát triển kinh tế sau dịch, ở nhiều nơi đã có tình trạng lơ là. Ý thức kém trong việc phòng dịch là hiện tượng dễ nhận thấy, những chiếc khẩu trang đã trở nên thưa thớt ở nhiều khu vực công cộng, nơi tập trung đông người. 

Đời sống đã bước vào giai đoạn bình thường mới, tiếp tục và tích cực phát triển kinh tế - xã hội, nhưng phải song hành với phòng ngừa dịch bệnh. Chứ không đơn giản như việc trong bão dịch thì đeo khẩu trang, còn bây giờ, thấy vãn rồi thì bỏ khẩu trang “như xưa”. Thí dụ cụ thể đó cho thấy nhiều giải pháp đã và vẫn được triển khai phòng dịch cho đến nay, vẫn tiếp tục cần được rà soát, tuyên truyền, nhắc nhở thực hiện nghiêm chỉnh, để xây dựng thành ý thức phòng ngừa, thói quen thường xuyên của mọi người trong xã hội. 

Chính trong những ngày này, ở TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương khác, trong đó có Tiền Giang vốn từng chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người đang nhìn lại, ngẫm lại để tiếp tục nhắc nhau đề phòng. Quả thực, sự cẩn trọng trong rất nhiều tình huống đời sống hiện nay là không thừa, không chỉ để phòng dịch Covid-19, mà còn những loại dịch bệnh khác.

HỮU NGHỊ

 

.
.
.