Cần rõ "đường đi" của nghị quyết
Làm thế nào để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống là câu hỏi khó đối với nhiều cấp ủy, tổ chức đảng cơ sở. Thậm chí, ở nhiều nơi, cán bộ cơ sở, nhất là bí thư đảng ủy, phó bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn... còn không ít băn khoăn, trăn trở khi trong cùng một thời điểm lại có quá nhiều nghị quyết (các cấp, các ngành) được ra đời và triển khai trên địa bàn nên khó tránh khỏi sự dồn tắc, chậm trễ, hoặc chồng lấn, hoặc phân tán sự tập trung sức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng.
Cơ sở trăn trở như vậy là đúng. Bởi lẽ, khảo sát cho thấy, nghị quyết (các cấp) được triển khai về xã, phường, thị trấn (trong một tháng, quý, năm) có số lượng khá nhiều và tạo nên sự lúng túng cho những người có trách nhiệm. Không khó để thấy, cơ sở đang hiện hữu tình trạng nghị quyết này vừa được ban hành, đang tổ chức học tập, thì nghị quyết khác đã ra đời và tiếp tục triển khai... Thành thử, nghị quyết cứ gối lên nghị quyết, khi ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã... đều ban hành nghị quyết thường kỳ; cùng với đó là hàng loạt nghị quyết chuyên đề; cộng thêm một số lượng không nhỏ kết luận, quy định, quy chế, đề án, chuyên đề, chương trình... về các lĩnh vực lãnh đạo, nhiệm vụ đặc thù.
Ảnh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo. |
Cơ sở càng thêm lúng túng khi có nhiều nghị quyết cứ thế ra đời, nhưng cấp trung gian thường chỉ triển khai theo lối “sao y bản chính” rồi "giao" về cơ sở quán triệt, tổ chức thực hiện. Thành thử, khi có quá nhiều nghị quyết, văn bản hành chính... đổ dồn về cơ sở thì người quán triệt, tổ chức thực hiện sẽ gặp lúng túng là chuyện hết sức bình thường, nhất là ở khâu xác định đâu là nghị quyết trọng yếu, cấp thiết đối với địa phương để tổ chức thực hiện. Thậm chí, vì có quá nhiều văn bản, nghị quyết nên ở một số nơi, cán bộ còn nảy sinh biểu hiện "phương phưởng luận" trong quán triệt, triển khai; không nắm rõ các nội dung, tinh thần nghị quyết, số nghị quyết; có nơi, việc học tập nghị quyết buộc phải vận hành theo lối đối phó, nặng về hình thức...
Để giải bài toán cùng lúc cơ sở phải quán triệt, triển khai nhiều nghị quyết, văn bản khác nhau, một số đảng bộ cấp huyện, thị xã, thành phố có cách làm khá mới là tiến hành “lược hóa nghị quyết”. Theo đó, những người có trách nhiệm sẽ lựa chọn nội dung cần thiết gắn với địa phương rồi “lược hóa” nghị quyết thành các nội dung dễ nhớ, dễ thuộc, dễ thực hiện; hoặc kết hợp tinh thần của một số nghị quyết vào một “nghị quyết dùng chung” (hay văn bản cụ thể) để cơ sở đảng cấp xã, phường, thị trấn... dễ quán triệt, triển khai, vận dụng. Tất nhiên, phần việc này đòi hỏi công sức, trí tuệ và sự dấn thân của cán bộ cấp huyện, thị xã, thành phố... nếu không muốn tinh thần nghị quyết bị méo mó, nội dung bị rơi rớt, thiếu toàn diện.
Cùng với cách làm khá hiệu quả nêu trên, hiện nay, đội ngũ cán bộ cơ sở mạnh dạn kiến nghị các cấp chỉ nên ban hành nghị quyết khi thật sự cấp thiết, cấp bách; cần quyết liệt đấu tranh, khắc phục triệt để hiện tượng nghị quyết chồng lên nghị quyết, chủ trương "giẫm" lên chủ trương; đẩy lùi các hiện tượng học tập nghị quyết thiếu thực chất, đối phó, học vẹt.
Nhiều cán bộ cơ sở còn bày tỏ mong muốn, tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII của Đảng lần này, việc bàn thảo, quyết nghị các vấn đề về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cần đi sâu vào những nội dung cốt lõi, thực chất. Trong đó, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bằng nghị quyết phải tập trung tháo gỡ cho bằng được “điểm nghẽn” khi có quá nhiều nghị quyết cùng lúc triển khai về cơ sở, gây ách tắc, chồng lấn chủ trương và phân tán sự tập trung sức lãnh đạo của tổ chức đảng.
Cụ thể hơn là mong muốn Trung ương và cấp có thẩm quyền sớm nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, có những văn bản hướng dẫn một cách cụ thể, “phác họa” cho bằng được hình dáng con đường đi của nghị quyết một cách nhịp nhàng, ăn khớp, hiệu quả từ Trung ương về cơ sở.
(Theo www.qdnd.vn)