.

Bảo vệ tác quyền là nuôi dưỡng văn nghệ sĩ

Cập nhật: 21:02, 24/09/2022 (GMT+7)

Nhớ về thời điểm 20 năm trước, khi nhạc sĩ Phó Đức Phương và cộng sự thành lập Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhiều người cho rằng, chỉ có người “gàn” mới "lao đầu" bảo vệ tác quyền. Bởi thời điểm đó, vấn đề quyền tác giả rất mới mẻ, chưa có tiền lệ một tổ chức chuyên bảo đảm tác quyền được tôn trọng và thực thi đầy đủ.

Ảnh minh họa: TTXVN
Ảnh minh họa: TTXVN

Tiên phong mở đường đã là đáng khen, đáng nể hơn là qua 20 năm, VCPMC đã thu được 1.063 tỷ đồng phí tác quyền. Riêng năm 2022, trung tâm phấn đấu đạt hơn 230 tỷ đồng, chạm mức mục tiêu đã đề ra là 10 triệu USD/năm. Thành công đến từ cách làm bài bản, minh bạch của VCPMC không chỉ đơn thuần giúp các nhạc sĩ “sống khỏe” bằng nghề; quan trọng hơn đã khiến việc trả phí tác quyền đi vào nền nếp, trở thành việc hiển nhiên.

Mô hình cũng như cách vận hành của VCPMC không mới. Ở các nước phát triển, bảo vệ quyền tác giả hiệu quả nhất đều do hội nghề nghiệp thực hiện. Những người sáng tạo tự nguyện tập hợp trong một tổ chức và lẽ dĩ nhiên, hội nghề nghiệp sẽ bảo vệ quyền lợi "sát sườn" của hội viên. Trong vấn đề bảo vệ tác quyền, hội sẽ theo dõi tình hình sử dụng tác phẩm, nhận ủy thác phí sử dụng chi trả lại cho tác giả, sẵn sàng thông báo với cơ quan chức năng về hành vi xâm hại, thậm chí đồng hành với nghệ sĩ ra tòa đòi công lý.

Kinh nghiệm bảo vệ tác quyền đã có, nhưng vì sao vi phạm tác quyền vẫn diễn ra tràn lan, gây thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của văn nghệ sĩ? Các hội chuyên ngành văn nghệ hiện nay ở nước ta đa phần chưa chú trọng bảo vệ tác quyền, do không có nhân sự đủ trình độ và tâm huyết để làm công việc phức tạp này. Cơ chế phối hợp giữa hội nghề nghiệp với các cơ quan quản lý, bảo vệ pháp luật chưa tốt. Hạn chế lớn nhất là nhiều người sử dụng tác phẩm ngày càng “nhờn luật”, bởi có rất ít “án điểm” về vi phạm tác quyền bị khởi tố, chủ yếu là phạt cho tồn tại.

Vi phạm tác quyền ngày càng nghiêm trọng hơn trên môi trường không gian mạng, những người xâm hại tác quyền có thể giấu mặt, chỉ lực lượng chuyên trách sử dụng công nghệ cao mới có thể phát hiện, truy tìm. Như vậy, bảo vệ tác quyền vốn đã gian nan, nay càng khó khăn hơn, đòi hỏi sự đề cao trách nhiệm của toàn xã hội.

Ngăn chặn vấn đề vi phạm tác quyền mới thúc đẩy văn học-nghệ thuật phát triển, thoát khỏi vòng luẩn quẩn bị vướng lâu nay. Chẳng hạn, nếu dẹp được nạn in sách lậu, lượng phát hành tác phẩm của nhà văn Việt Nam sẽ tăng lên, có thể lên tới 1-2 vạn bản cho một cuốn sách chất lượng tốt, thay vì chỉ 2.000 - 3.000 bản. Đời sống vật chất của nhà văn sẽ tốt hơn để tiếp tục chuyên tâm viết những tác phẩm có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật.

Thế nhưng, hơn 1.000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam có bao nhiêu người sống được bằng nghề như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh? Ngoài chuyện đề tài thuộc dạng phổ thông được người lớn và trẻ em yêu thích, tác phẩm mới nào của ông cũng được “bỏ mối” sẵn theo đơn đặt hàng, in lần đầu có thể lên tới 10 vạn bản. Dù sau khi phát hành lần đầu rồi bị in lậu tràn lan, Nguyễn Nhật Ánh vẫn có thể thu về tiền tỷ từ tác quyền. Những nhà văn khác viết những đề tài kén độc giả, đã thế, khi bị in lậu, đủ biết họ sẽ nản lòng thế nào, viết cho vui chứ không đầu tư vào sáng tác.

Trong thời buổi công nghiệp văn hóa, tác phẩm văn học - nghệ thuật đồng thời cũng là một sản phẩm hàng hóa tuân thủ các quy luật thị trường về giá trị, cung - cầu, cạnh tranh. Người sáng tác nào có tài năng cho ra đời nhiều tác phẩm giá trị thì sẽ được công chúng “nuôi” bằng cách tiêu thụ sản phẩm. Từ đó mới hình thành những người chuyên nghiệp sống được bằng nghề, là cơ sở bảo đảm có được tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, làm giàu cho nền văn hóa nước nhà.

(Theo www.qdnd.vn)

 

 

.
.
.