.

Hãi hùng với kiểu làm nhục trên mạng xã hội

Cập nhật: 09:17, 27/10/2022 (GMT+7)

Trong thời đại con người giao tiếp trên Internet, chưa bao giờ người ta dễ dàng bị lăng nhục nhanh, nhiều và dễ dàng đến thế. Với không ít người, mạng Internet trở thành nơi để người ta có thể xả những ẩn ức, đố kị. Chính sự vô danh và vô hình trên mạng khiến người ta cư xử vô cảm và độc địa. Khi không phải nhìn vào mắt nhau, người ta sẵn sàng làm đau kẻ khác bằng cách thoải mái mạt sát, chửi bới…

1. Tối 28/8/2016, người đẹp Hà Nội sinh năm 1996, Đỗ Mỹ Linh đăng quang ngôi vị Hoa hậu Việt Nam. Và ngay trong đêm hôm đó, trên mạng xã hội nảy ra một cuộc tranh cãi lớn về nhan sắc của tân hoa hậu, bị cho là nhạt nhòa giữa dàn thí sinh năm ấy. Nhưng chuyện đó không ăn nhằm gì nếu phải so sánh với những lời mạt sát của đám đông hàng ngàn người để lại trong Facebook cá nhân của cô.

Họ đã lần ngược dòng thời gian và tìm ra một số bài viết, bình luận của Mỹ Linh từ nhiều năm trước đó có lời lẽ không đẹp, ám chỉ về cô giáo của mình cũng như đối đáp với bạn bè trên mạng. Người ta quên mất rằng những dòng chữ được viết theo dạng “teen code”, ngôn ngữ trên mạng của các bạn thiếu niên, đã được Linh viết từ nhiều năm trước đó, khi cô còn là học sinh trung học.

b

Ngày hoa hậu Đỗ Mỹ Linh đăng quang cũng là ngày cô bị tấn công trên mạng xã hội.

Vấn đề ứng xử của hoa hậu thì tuyệt đối quan trọng rồi, kể cả khi buông phím là đứa trẻ đi chăng nữa cũng không thể dễ dàng cho qua, thi thoảng mới có người nổi tiếng phạm lỗi để được cộng đồng mạng mang ra răn dạy một trận cho ra nhẽ. Vì thế, ngay trong đêm hôm đó, tân hoa hậu đã phải đóng Facebook cá nhân của mình thay vì đón nhận những lời chúc mừng từ người thân, bạn bè như món quà tinh thần thời đại kỹ thuật số.

2. Hiếu “Orion”, Trần Chí Hiếu, là một Facebooker người Hà Nội khá nổi tiếng trên mạng từ hàng chục năm trước với hơn 400.000 người theo dõi. Anh ta có nhiều tài lẻ như kỹ năng chơi đàn guirta điêu luyện, hát, vẽ, viết ngắn hài hước…luôn có xu hướng truyền tải nội dung vui nhộn trên mạng.

b

Sự vô danh và vô hình trên mạng khiến người ta cư xử vô cảm và độc địa.

Một ngày đẹp trời, Hiếu “Orion” cùng nhóm bạn đồng niên đóng khố, ở trần, đi xe máy lên đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang) chụp ảnh. Đối với hành vi này, tùy theo quan niệm của mỗi cá nhân sẽ có góc nhìn, đánh giá khác nhau. Ở lứa tuổi trung niên, ít tập thể thao, ăn nhiều, thừa cân, về mặt giải phẫu học có vẻ không đạt về thẩm mỹ, nhóm anh Hiếu đạt đủ bằng đó tiêu chí, cộng đồng mạng mắng chửi thậm tệ vì cho đó là hành vi phản cảm lại mang “trưng bày” tại một địa điểm du lịch nổi tiếng Việt Nam.

Số phận Hiếu hẩm hiu hơn hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, điều đó có thể quan sát bằng mắt thường thông qua những lời bình luận chửi rủa, xỉ nhục trên Facebook cá nhân anh ta. Nhưng kinh khủng hơn, đám đông ấy chửi Hiếu đến phát chán thì quay sang tấn công Facebook gia đình người đàn ông này. Họ tràn vào trang cá nhân của vợ, em vợ, mẹ vợ, con cái Hiếu để chửi. Họ mắng mẹ vợ Hiếu bằng thứ ngôn ngữ bậy bạ mà hiếm ai có thể tưởng tượng được. Người lớn tuổi có xu hướng dùng mạng xã hội để kết nối khép kín với con cháu, người thân trong gia đình hơn là giao lưu rộng rãi. Và họ cũng không có kỹ năng sử dụng mạng thành thạo, đối phó với một sự kiện tấn công, làm nhục trên quy mô rộng lớn đến thế.

“Độc ác với người khác không phải là cái gì mới. Nhưng trên mạng, với công nghệ hỗ trợ, sự lăng nhục được phóng đại lên, không bị kiềm chế, và ở đó mãi mãi” - Monila Lewinsky.

Tiến sĩ tâm lý Đặng Hoàng Giang viết, hơn hai thập kỷ trước, khi Internet đang trong tuổi dậy thì, Rheingold Howard, một nhà tiên phong về công nghệ mạng người Mỹ, phấn khởi tiên đoán nó sẽ đưa chất lượng tương tác của chúng ta trong xã hội lên một tầm mới. “Nó như là một cái sa-lon nhỏ,” ông mô tả cho những người còn chưa biết mạng là gì, nghĩa là đa số trong xã hội hồi đó, “Tôi có thể tham gia vào hàng trăm câu chuyện, nơi người ta không quan tâm mặt mũi tôi thế nào, giọng nói tôi ra sao, mà chỉ quan tâm tới những ý nghĩ của tôi”. Cư dân mạng không nhìn thấy hình hài, tuổi tác và xuất xứ của nhau, ông lạc quan, do đó mạng sẽ là một vùng đất không có định kiến.  Ai có thể trách được sự ngây thơ của Rheingold Howard? Tới giờ, sự lạc quan này đã phải nhường chỗ cho một thừa nhận cay đắng.

b

Thế giới mạng xã hội là con dao hai lưỡi, ai cũng có thể là nạn nhân dự bị của nó nếu thiếu đi những kỹ năng sử dụng.

Có thể cho rằng, nhiều hành vi xấu trong đời sống đang được giám sát bởi cộng đồng sử dụng mạng xã hội những năm gần đây. Ví dụ như văn hóa giao thông, hay hành động thiếu chuẩn mực nào đó ngoài công cộng, chỉ trong vài phút sau khi diễn ra có thể xuất hiện video clip trên những nhóm Facebook có hàng triệu người tham gia. “Thám tử mạng” cũng chỉ cần thêm chút thời gian để tung ra đầy đủ tên tuổi, địa chỉ, nơi làm việc và đôi khi cả những chuyện xấu xí được tô vẽ thêm trong quá khứ của đối tượng.

Cách đây không lâu, trong diễn đàn mạng mà người dùng trong đó đa số là bác sĩ, nhân viên y tế, một nữ bác sĩ đưa ra câu hỏi nhờ tư vấn, bởi trước đó chị có đối đáp trên mạng với một người viết sách nổi tiếng về những lời cáo buộc thiếu căn cứ với nơi chị đang công tác. Được biết vị “nhà văn” có đưa người thân tới điều trị, anh phản ánh gay gắt về cơ sở hạ tầng, thái độ nhân viên y tế một bệnh viện tại Hà Nội trên trang cá nhân. Phía bên dưới có hàng trăm bình luận miệt thị nặng nề y bác sĩ tại bệnh viện được nêu tên. Nữ bác sĩ kể trên đã chứng minh, phản biện lại những lời cáo buộc thiếu căn cứ trong bài viết trên Facebook cá nhân. Điều đáng ngạc nhiên là thay vì có sự phản biện, tranh luận văn minh cần thiết, anh ta chọn phương án đưa đường link (địa chỉ) mạng xã hội của nữ bác sĩ này trên trang của mình kèm những lời lẽ nặng nề. Đám đông bắt đầu ào vào đó nhắn tin mạt sát, buông xả thứ ngôn ngữ cần phải loại bỏ khỏi tiếng Việt.

Văn hóa mạng có những điều khiến người ta bật cười. Ví dụ có bạn  hay người hâm mộ của “nhà văn” phản ánh ngược lại: “Ôi anh ơi em mới chửi nó 2 câu nó đã chặn em rồi, hèn hạ anh nhỉ”. Thế đó, đến cả chửi rủa người ta cũng muốn đòi hỏi đầy đủ quyền lợi cho bản thân, quyền được chửi và nạn nhân phải căng mắt đọc đầy đủ, trọn vẹn những dòng chữ thiếu lịch sự mà họ gửi gắm.

3. Tranh luận, phản biện một cách văn minh, có học thuật, chứng cứ minh bạch đang là điều gì đó ngày càng khó khăn, hiếm có trên môi trường mạng xã hội.

b

Văn hóa làm nhục thời mạng xã hội khiến không ít người phải rùng mình vì sự xấu xí của nó.

Hơn 3 năm trước, tôi có được mời tới trao đổi kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho các cháu học sinh cấp 2 và 3 tại một trường trung học phổ thông tại Hà Nội. Đó là buổi gặp gỡ rất thú vị, bởi được hiểu, thấu cảm và có thêm nhiều thông tin về những góc khuất trên mạng của thế hệ này. Tình trạng bị bắt nạt, bêu riếu, xỉ nhục của các cháu không kém phần khốc liệt.

Thế nhưng với kỹ năng sống còn thiếu cũng như cách ứng xử với các tình huống khiến không ít bạn rơi với trầm cảm, tự ti, xấu hổ với bạn bè bởi những thông tin, cách tấn công độc ác của ngay chính bạn bè mình. Tôi rất nhớ một bạn trẻ từng là nạn nhân bị làm nhục trên mạng, cầm micro run run tâm sự trước hội trường. “Chúng con dùng mạng ai cũng có tài khoản ảo, ảo nhưng mà là thật. Bởi vì tài khoản chính chỉ để bố mẹ, thầy cô nhìn thấy là con đang ngoan, chăm học. Còn tài khoản ảo mới là cái để con được nói thật những gì mình suy nghĩ, để đối phó với những lần bị bắt nạt, để chửi lại chúng nó”.

Thế giới mạng xã hội vô cùng phức tạp. Nó là con dao hai lưỡi, và dường như tất cả đều có thể là nạn nhân dự bị của nó nếu thiếu đi những kỹ năng dùng mạng. Cần nên biết chia sẻ điều gì lên đó sẽ phù hợp, điều gì cần chia sẻ trong nhóm người thân, gia đình. Mọi thông tin để chế độ dễ tiếp cận đều có thể trở thành công cụ cho những kẻ xấu xí, rình mò. Luôn ý thức rằng đằng sau những avatar ảo là con người thật. Để phê bình mà không mạt sát, lên án nhưng không lăng nhục. Để trong khi thượng tôn pháp luật vẫn trân trọng nhân phẩm con người. Để thấu cảm, khoan dung, tha thứ và hướng tới một xã hội của công lý phục hồi và hàn gắn, thay vì của trừng phạt tàn khốc.

Theo Báo điện tử Công An Nhân Dân

.
.
.