Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 144/NQ-CP về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Cùng đó, chủ trì phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, phải khắc phục khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục trong thời gian ngắn nhất.
|
Các bệnh viện đang thiếu một số loại thuốc và trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh. Ảnh: BẮC SƠN. |
Câu chuyện vướng trong mua sắm, đấu thầu khiến bệnh viện ở nhiều tuyến thiếu trước hụt sau diễn ra hầu khắp mọi nơi thời gian qua. Đến nay, câu chuyện này vẫn chưa có dấu hiệu được tháo gỡ, nhiều nơi bác sĩ vẫn ta thán, người bệnh vẫn mệt mỏi chờ đợi để được… chụp chiếu. Nhiều chuyên gia y tế phải lên tiếng về những khó khăn của người bệnh, khi đang giai đoạn điều trị lại phải sang bệnh viện khác để chụp chiếu, xạ trị, xạ phẫu rồi lại quay về, mà mỗi lần chuyển bảo hiểm y tế là một lần khó khăn. Hoặc bệnh nhân ung thư đã di căn mà phải chờ hàng tháng không được điều trị sớm thì hiệu quả điều trị rõ ràng bị ảnh hưởng. Trong khi đó, để khai thác vận hành số máy đã có ở các bệnh viện thì vướng chính sách, pháp lý trong việc mua thiết bị thay thế, sửa chữa, còn đặt mua thêm máy mới thì chưa có cơ chế.
Thiếu thuốc, trang thiết bị được ví von là căn bệnh trầm kha lâu nay của ngành y tế. Nghịch lý ở chỗ, nói như giám đốc một bệnh viện, khi biết bệnh mà không điều trị, không có giải pháp thì sẽ trở thành bệnh mạn tính, nan y khó lòng cứu vãn. Tuy vậy, thực tế cho thấy, còn có một căn bệnh khó chữa hơn, đó là bệnh "sợ trách nhiệm". Trong phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, Thủ tướng Chính phủ nhắc lại hiện tượng này. Và, theo người đứng đầu Chính phủ, nếu ai không dám làm thì hãy xin nghỉ, đứng sang một bên.
Vấn đề thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, không thể bàn mãi, trong khi các bệnh nhân đang căng thẳng chờ đợi, nhiều người trong tình trạng sinh mệnh "nghìn cân treo sợi tóc". Chính phủ cần tiếp tục cho rà soát lại cơ chế, chính sách, nhất là các quy định liên quan đến đấu thầu, mua sắm. Cần khẩn trương sửa đổi và sớm ban hành các quy định liên quan hướng dẫn đấu thầu, đăng ký thuốc, giá thuốc, hướng dẫn mua sắm trang thiết bị y tế, trong đó có vật tư y tế ở các mức độ khác nhau; rà soát lại toàn bộ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện còn vướng mắc, ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu từ đó sớm đưa ra những chỉnh sửa cơ chế chính sách kịp thời. Yêu cầu cấp bách mà người đứng đầu Chính phủ đặt ra cần được các bộ, ngành liên quan coi như một mệnh lệnh hành chính, mệnh lệnh từ lương tri. Chỉ như vậy, thời gian trôi đi mới không trở nên vô nghĩa.
(Theo nhandan.vn)