Đúng thuốc, đủ liều
Liên tiếp trong mấy ngày qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có hai công điện hỏa tốc, để gỡ những nút thắt về vốn cho doanh nghiệp (DN) trong giai đoạn hết sức quan trọng này. Bởi, trong tháng 11-2022 vừa qua, rất nhiều DN kêu thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh (SXKD), khởi nguồn từ các DN trong lĩnh vực bất động sản và sau đó lan ra cả các khu vực khác.
Đáng lo ngại là cả các DN sản xuất hàng xuất khẩu, sử dụng nhiều lao động, các DN chuyên thu mua nông sản cũng khó khăn về dòng tiền để bảo đảm cho việc nhập nguyên liệu sản xuất, thu mua nông sản cho nông dân. Lý do là qua hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, không ít DN đã sử dụng hết nguồn lực tài chính để duy trì sản xuất.
Do vậy, khi Chính phủ thực hiện các biện pháp kiểm soát lạm phát, thắt chặt hạn mức tăng trưởng tín dụng khiến dòng vốn tín dụng trở nên khó tiếp cận; rồi kênh phát hành trái phiếu DN bị nghẽn do một số vụ việc liên quan tới phát hành trái phiếu DN chưa bảo đảm minh bạch, ảnh hưởng tới niềm tin thị trường; thị trường chứng khoán sụt giảm thì DN trở nên lúng túng vì không kiếm đâu ra dòng tiền để duy trì SXKD.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Cần phải khẳng định việc thắt chặt hạn mức tăng trưởng tín dụng, siết chặt các biện pháp kiểm soát đối với việc phát hành trái phiếu DN, xử lý nghiêm theo pháp luật những tổ chức, cá nhân sai phạm là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Cũng trong thời gian vừa qua, hầu hết các nước trên thế giới đều tiến hành các biện pháp thắt chặt hạn mức tăng trưởng tín dụng, nâng lãi suất huy động và lãi suất cho vay để hút dòng tiền về ngân hàng nhằm chống lạm phát.
Vì thế, các biện pháp mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam áp dụng là phù hợp với xu thế chung. Làm thế nào vừa chống được lạm phát, vừa tránh được nguy cơ suy thoái kinh tế là bài toán kinh điển, không hề dễ giải đối với bất cứ nền kinh tế nào.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, cái hay trong biện pháp điều hành là khi thấy mục tiêu kiềm chế lạm phát có thể đạt được, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm 2022 dự báo được kìm giữ ở khoảng 4% như chỉ tiêu đề ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã lập tức nới hạn mức tăng trưởng tín dụng lên khoảng 1,5-2%, tùy theo khả năng của từng ngân hàng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên (như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa).
Điều này rất điển hình cho một phong cách điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động mà Chính phủ đã thực hiện rất thành công từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Những giải pháp điều hành chủ động, linh hoạt đó cho thấy hiệu quả khi thị trường chứng khoán đã có dấu hiệu phục hồi trong những phiên gần đây, đó chính là biểu hiện niềm tin của nhà đầu tư.
Căn bệnh thiếu vốn của DN đã được bắt đúng, loại thuốc được kê đơn cũng đã chuẩn, điều cần quan tâm là liều lượng của thuốc phải phù hợp với thực tế. Bởi vì hiện nay việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn phải là mục tiêu hàng đầu. Do đó, cùng với việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng thì cần phải kiểm tra xem dòng tiền có đến đúng địa chỉ, đúng lĩnh vực cần ưu tiên không, và cũng phải xem khả năng đáp ứng của từng ngân hàng như thế nào.
Cùng với đó, việc phát hành trái phiếu của DN phải được kiểm soát, bảo đảm tính minh bạch, có các biện pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư. Chỉ có như vậy mới xây dựng được vững chắc niềm tin, yếu tố quan trọng, có tính quyết định đến việc ổn định kinh tế vĩ mô.
(Theo www.qdnd.vn)