Tết đến, đi lại an toàn
Mỗi dịp “tết đến xuân về”, chắc chắn ai cũng mong muốn có những chuyến đi về quê với gia đình, thăm thú bạn bè, ngao du ngắm cảnh xuân an toàn, vui vẻ. Mong mỏi đó hoàn toàn chính đáng. Thế nhưng, nhiều năm nay điều đó đã không xảy ra với một số người.
Chỉ tính trong 3 năm gần đây, theo thống kê của ngành chức năng, tết năm nào cũng có hơn 100 người chết và cũng khoảng từng đó người bị thương. 5 ngày Tết Canh Tý 2020 xảy ra 138 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm 102 người chết, 108 người bị thương. 7 ngày Tết Tân Sửu 2021 xảy ra 182 vụ TNGT làm 109 người chết và 123 người bị thương. Gần đây nhất, Tết Nhâm Dần 2022 xảy ra 216 vụ TNGT làm 121 người chết và 138 người bị thương.
Mẫu số chung của hầu hết các vụ TNGT này là người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm quy định về nồng độ cồn, đi lấn làn, không quan sát và không chấp hành quy định về tốc độ, chất lượng một số đoạn đường còn kém, tổ chức giao thông chưa tốt…
Đáng nói, những cảnh báo về an toàn giao thông liên tục được ngành chức năng từ cấp cao nhất như Thủ tướng Chính phủ cho tới lãnh đạo các địa phương, các bộ ngành liên quan đưa ra. Như năm nay, cuối năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có Công điện số 1174/CĐ-TTg ngày 19-12-2022 về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và các lễ hội xuân 2023. Trong công điện, Thủ tướng chỉ đạo các ngành, địa phương vận động người dân và người tham gia giao thông tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, tuân thủ hiệu lệnh hướng dẫn của lực lượng chức năng, nhường nhịn, giúp đỡ lẫn nhau khi tham gia giao thông. Chủ động tham gia giao thông an toàn và thực hiện “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, không phóng nhanh, vượt ẩu, không chở quá số người quy định… Thủ tướng cũng chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Không chỉ là nhắc nhở trong mỗi dịp “tết đến xuân về” mà bài học về an toàn giao thông còn là một trong những bài học đầu tiên mà người dân phải nắm vững khi học lái xe và thi lấy bằng lái xe. Trong nhiều chương trình ngoại khóa, các kỹ năng đi đường, lái xe… cũng được nhà trường dạy cho học sinh. Vậy tại sao TNGT nói chung và TNGT trong các dịp lễ, tết nói riêng ở Việt Nam vẫn nhiều, thậm chí cao hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực? Dân gian có câu “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” nhưng đã có hàng trăm cái chết vì TNGT mỗi năm trong dịp tết… sao vẫn chưa là hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ với những người thiếu ý thức chấp hành pháp luật về giao thông? Phải chăng vì chế tài chưa mạnh mẽ hay vì các nguyên nhân khác liên quan đến hạ tầng giao thông như đường sá xuống cấp, xe lưu thông nhưng không đảm bảo an toàn kỹ thuật, chất lượng học và thi lấy bằng lái xe còn bất cập…?
Đi tìm câu trả lời cho thực tế này thuộc trách nhiệm của ngành chức năng và cả chính những người tham gia giao thông. Thế nhưng, kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, phạt thật nặng, tới mức người bị phạt sợ không dám tái diễn hành vi vi phạm; người bên ngoài nhìn vào rút ra bài học cho chính mình là cách hữu hiệu nhất để ngăn chặn các hành vi vi phạm luật giao thông. Với cơ quan có trách nhiệm bảo trì, bảo dưỡng công trình cầu đường, các đơn vị vận tải… nếu để xảy ra sơ sót dẫn đến TNGT cũng phải bị phạt thật nặng. “Thuốc đắng giã tật”, ông bà ta đã tổng kết như vậy.
Mong rằng tết năm nay tình hình sẽ khác, ai ai cũng chấp hành nghiêm túc pháp luật về giao thông để xuân đến được khắp mọi nhà. Để con đường về nhà, đi du xuân Quý Mão là con đường của những tiếng cười, niềm vui và hạnh phúc.
(Theo sggp.org.vn)