Giải pháp nào trước nguy cơ "đổ vỡ" của ngành đăng kiểm?
Theo thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, số lượng phương tiện không được kiểm định qua từng tháng ngày càng gia tăng và không có phương án giải quyết số lượng ô tô quá hạn đăng kiểm. Do vậy, nguy cơ đứt gãy dẫn tới “đổ vỡ” hệ thống đăng kiểm xe cơ giới đang trở thành hiện hữu. Và chúng ta không thể ngồi im nhìn hệ thống này đổ vỡ vì tổn thất xảy ra là rất lớn.
Các trung tâm đăng kiểm đang hoạt động đều rơi vào tình trạng quá tải. (Ảnh: Báo Lao động) |
Thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến ngày 1/3, toàn quốc có 281 trung tâm đăng kiểm với 489 dây chuyền kiểm định, trong đó có 59 trung tâm tạm dừng hoạt động (51 đơn vị bị dừng do phục vụ điều tra và 8 đơn vị dừng do không đủ điều kiện hoạt động).
Theo quy định hiện hành, 1 dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 3 đăng kiểm viên, bao gồm 1 đăng kiểm viên bậc cao có vai trò là trưởng dây chuyền kiểm định. Lãnh đạo trung tâm đăng kiểm, người có trách nhiệm ký giấy chứng nhận đăng kiểm cũng phải là đăng kiểm viên bậc cao.
Mà hiện số đăng kiểm viên còn đang làm việc trên toàn hệ thống khoảng 1.500 người. Trong khi để duy trì hoạt động cho toàn bộ hệ thống kiểm định xe cơ giới - cần ít nhất 1.986 đăng kiểm viên. Như vậy, toàn hệ thống hiện nay đang thiếu khoảng 486 đăng kiểm viên.
Riêng các đơn vị đăng kiểm và phòng tham mưu thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, để thực hiện đầy đủ nhiệm vụ sẽ cần khoảng 240-250 đang kiểm viên (trong đó cần ít nhất 90 đăng kiểm viên bậc cao); hiện nay thiếu khoảng 120 đăng kiểm viên (tương đương khoảng 50% số người cần có).
Đó là chưa kể đến những cán bộ đã và đang làm việc cũng trong tình trạng tâm lý bất ổn, hoang mang lo sợ. Nhiều người không dám đi làm vì quá mệt mỏi, quá áp lực dẫn đến giảm hiệu suất lao động. Rồi số lượng đăng kiểm viên xin nghỉ việc, thôi việc ngày càng tăng, nhiều trung tâm đăng kiểm tự thông báo dừng hoạt động.
Theo quy định hiện hành, từ lúc thông báo tuyển dụng đăng kiểm viên đến khi tổ chức thi tuyển, chấm điểm, công bố sẽ mất hai tháng. Nhân sự trúng tuyển đăng kiểm viên thường sẽ được học lý thuyết, đào tạo thực hành ít nhất một năm mới đủ điều kiện cấp chứng chỉ đăng kiểm viên thường. Đối với đăng kiểm viên bậc cao thì thời gian cần ít nhất 3 năm kinh nghiệm kiểm định và phải vượt qua các kỳ sát hạch. Do đó, một đăng kiểm viên phải qua ít nhất hơn 4 năm liên tục mới trở thành đăng kiểm viên bậc cao. Quy định hiện hành yêu cầu mỗi dây chuyền hoạt động phải có ít nhất một đăng kiểm viên bậc cao chịu trách nhiệm ký duyệt kết quả kiểm định.
Thực tế hiện nay tại TP Hà Nội có tổng số 31 đơn vị đăng kiểm, tuy nhiên, hiện chỉ còn 11 đơn vị đăng kiểm còn hoạt động. Dự báo số đơn vị dừng hoạt động sẽ tiếp tục tăng trong tuần tới do thiếu nhân sự. Khu vực TP Hồ Chí Minh hiện có 19 đơn vị đăng kiểm, hiện chỉ còn 11 đơn vị hoạt động. Từ 2 thành phố lớn cho thấy nếu không có sự thay đổi, với số lượng trung tâm đăng kiểm hiện tại, trong thời gian tới sẽ không đáp ứng được nhu cầu kiểm định của người dân.
Điều đáng nói, không chỉ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhiều địa phương khác cũng đứng trước nguy cơ quá tải khi cũng có những trung tâm đăng kiểm dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra sai phạm. Tại Hòa Bình và Bắc Kạn cũng cần bổ sung cấp bách đăng kiểm viên do mỗi tỉnh chỉ có một trung tâm đăng kiểm nhưng đã bị tạm dừng hoạt động. Cùng với đó là một số lượng không nhỏ phương tiện cơ giới ở các thành phố lớn, do quá tải, cũng tìm chọn các tỉnh lân cận để đăng kiểm.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện tại, mỗi dây chuyền kiểm định trung bình chỉ có thể kiểm tra cho 40 xe/ngày (đạt 66% công suất) vì nhiều nguyên nhân như thiếu nhân sự đăng kiểm viên dẫn đến hầu hết mỗi dây chuyền chỉ có 3 đăng kiểm viên thực hiện kiểm tra. Do vậy, công suất tối đa chỉ được 60 xe/ngày/dây chuyền. Trong khi đó, tỉ lệ phương tiện kiểm định không đạt cao từ 20-30% dẫn đến 1 xe cần phải kiểm định nhiều lần.
Dự kiến ngay trong tháng 3 này, năng lực kiểm định của các trung tâm đăng kiểm còn lại hoạt động chỉ đạt 52% nhu cầu người dân tại Hà Nội và 53% tại TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, trong tháng 4, sẽ có thể ùn tắc nghiêm trọng hơn nữa và nguy cơ đứt gãy hệ thống kiểm định không còn là cảnh báo mà đang trở thành hiện hữu.
Nhằm tháo gỡ khó khăn khi thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng trong giai đoạn hiện nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ đề nghị cho phép Cục Đăng kiểm Việt Nam ký hợp đồng lao động để tuyển các đăng kiểm viên làm việc tại các đơn vị đăng kiểm trực thuộc Cục cho đến khi tuyển dụng đủ viên chức theo quy định.
Đưa ra giải pháp nhanh nhất để các trung tâm đăng kiểm đủ nhân lực đáp ứng nhu cầu quá cao hiện nay, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, cơ quan chức năng nên nghiên cứu, sửa đổi quy định, cho phép 2 đăng kiểm viên vận hành 1 dây chuyền thay vì tối thiểu 3 đăng kiểm viên như hiện nay để tăng năng suất vận hành ở các dây chuyền khác. Đồng thời, cơ quan chức năng cần cho phép giảm thời gian tuyển dụng đăng kiểm viên.
“Sai chúng tôi đã nhận, đã và đang sửa sai. Chỉ mong cho chúng tôi cơ hội sửa. Muốn sửa sai phải có thời gian và con người, không có hai yếu tố ấy không làm được. Nếu hệ thống sụp đổ thì từ người dân, doanh nghiệp sử dụng phương tiện giao thông cho đến những dàn khoan dầu khí, các công trình biển cũng đình trệ. Tổn thất của quốc gia, doanh nghiệp và người dân rất lớn nếu xảy ra chuyện đó”, ông An bày tỏ.
Đưa ra dự báo tháng 4/2023 nhu cầu đăng kiểm của người dân sẽ tăng cao trở lại, do đó, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia nhìn nhận nếu không tuyển dụng kịp thời để đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đăng kiểm viên, từ đó có cơ sở bố trí nhân sự để khôi phục các đơn vị đăng kiểm đang tạm dừng hoạt động, rất có thể sẽ lại xảy ra tình trạng ùn tắc đăng kiểm. Từ phân này này, ông Tạo đề xuất, Bộ Nội vụ nên xem xét kỹ lưỡng, có hướng dẫn cụ thể đối với Cục Đăng kiểm về quy trình tuyển dụng sao cho nhanh nhất, để kịp thời tuyển dụng nhân sự đăng kiểm viên nhưng vẫn tuân thủ theo đúng quy định pháp luật.
Nhìn xa hơn, một số chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, bên cạnh việc nếu cần phải thay 100% nhân sự mới cũng phải làm như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thì ngành đăng kiểm cũng cần xây dựng các văn bản chuyên môn gần sát với thực tiễn của xã hội để có sự thống nhất trong cả nước, đẩy mạnh số hóa liên thông với các ngành chức năng…
Vẫn biết những tiêu cực xảy ra trong đăng kiểm không bắt thì không được, nhưng bắt thì công an mất nhiều thời gian công sức để điều tra, xét xử, rồi chuyện mất uy tín, mất người là không thể tranh khỏi. Vấn đề quan trọng lúc này là cần có ngay phương án để điều chỉnh nhân sự, tránh nguy cơ vỡ hệ thống đăng kiểm đang hiện hữu.
Dù rằng từ quy trình đến văn bản luật là nhiệm vụ không đơn giản, không dễ làm nhưng không phải là không làm được. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải cần phối hợp với các cơ quan liên quan sớm có những giải pháp khắc phục nhanh những tình trạng nêu trên. Về lâu dài khó mấy ngành đăng kiểm, Bộ Giao thông Vận tải phải sớm thực hiện để xử lý tận gốc thực trạng đang tồn tại hiện nay./.
Theo dangcongsan.vn