Nâng cao văn hóa ứng xử của nghệ sĩ
Ứng xử thế nào để đẹp lòng công chúng và giữ gìn hình ảnh luôn là vấn đề nghệ sĩ phải chú trọng, nếu muốn bảo vệ danh tiếng cũng như quyền lợi của bản thân.
Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các văn nghệ sĩ. (Ảnh: nguoihanoi.com.vn) |
Ở bất cứ loại hình nghệ thuật nào, nghệ sĩ cũng đều hướng đến mục đích cuối cùng là chinh phục công chúng. Công chúng là đối tượng tiếp nhận sản phẩm nghệ thuật, cũng là yếu tố quyết định sự thành bại của họ. Nói cách khác, sự thành công, vầng hào quang của nghệ sĩ được xây dựng dựa trên chính tình cảm, sự mến mộ của công chúng đương thời. Vì thế, ứng xử thế nào để đẹp lòng công chúng và giữ gìn hình ảnh luôn là vấn đề nghệ sĩ phải chú trọng, nếu muốn bảo vệ danh tiếng cũng như quyền lợi của bản thân.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng số, đặc biệt là mạng xã hội đã mở ra không gian mới để các nghệ sĩ xây dựng hình ảnh, quảng bá sản phẩm nghệ thuật, tiếp cận gần hơn với công chúng.
Song, đây cũng là môi trường tiềm ẩn nguy cơ có thể hủy hoại nhanh chóng thanh danh, thậm chí cả sự nghiệp mà người nghệ sĩ gây dựng, nếu họ vô tình hay cố ý vi phạm những quy tắc đạo đức, chuẩn mực ứng xử của cộng đồng.
Thời gian qua, bên cạnh những nghệ sĩ tích cực dùng mạng xã hội để lan tỏa thông điệp nhân văn, tình yêu thương, sẻ chia trong cộng đồng thông qua nhiều dự án nghệ thuật ý nghĩa thì đáng tiếc, vẫn còn những người thiếu cẩn trọng trong ứng xử, làm xấu đi hình ảnh nghệ sĩ.
Trao đổi tại Hội thảo "Văn hóa ứng xử của nghệ sĩ với công chúng" do Hội Sân khấu Hà Nội vừa tổ chức, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đã không ngần ngại chỉ ra những biểu hiện "lệch chuẩn" trong văn hóa ứng xử của một bộ phận nghệ sĩ, diễn viên hiện nay. Ðó là không ít trường hợp cố tình sử dụng những lời lẽ thô tục, vô văn hóa trên mạng xã hội để gây sự chú ý nhằm "câu like", "câu view", tăng tương tác; hoặc livestream để "bóc phốt" đồng nghiệp, chửi bới, đe dọa, xúc phạm, miệt thị, công kích lẫn nhau vì mâu thuẫn cá nhân.
Bên cạnh đó, một số người còn đăng tải những thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng, lợi dụng uy tín, tầm ảnh hưởng của bản thân đưa ra những phát ngôn gây "sốc", tạo tâm lý hoang mang trong dư luận. Ðặc biệt, không ít "sao" sẵn sàng quảng cáo quá đà cho các sản phẩm không rõ nguồn gốc, đăng tải những bài viết thiếu căn cứ, thông tin khoa học… gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, sức khỏe công chúng…
Trên thực tế, nghệ sĩ, nhất là những người nổi tiếng luôn tạo ra sức ảnh hưởng lớn tới cộng đồng. Ứng xử của họ dù đẹp hay chưa đẹp cũng đều tạo ra những tác động tới công chúng. Vì thế, làm thế nào để nâng cao văn hóa ứng xử của nghệ sĩ, xây dựng niềm tin của công chúng với nghệ sĩ, cũng là với hoạt động văn học nghệ thuật là điều vô cùng cần thiết và quan trọng.
Ðể chấn chỉnh những hành vi lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử của nghệ sĩ, Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.
Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhận định, đây chỉ là những quy tắc đã được hệ thống hóa tạo cơ sở để những người hoạt động nghệ thuật biết những gì mình được hay không được làm, nên hay không nên làm, còn ứng xử như thế nào cho đúng chuẩn mực vẫn phụ thuộc vào nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mỗi nghệ sĩ.
Theo nhiều chuyên gia, để nâng cao văn hóa ứng xử của nghệ sĩ, bên cạnh kêu gọi họ tự xây dựng những "rào chắn" cho riêng mình để luôn cẩn trọng, thận trọng trong hành xử, phát ngôn, còn cần có những chế tài cần thiết để xử lý những vi phạm theo các cấp độ. Hình phạt lớn nhất cho sự phóng túng, cẩu thả trong lối sống, ứng xử của một bộ phận nghệ sĩ, diễn viên nêu trên chính là sự quay lưng của công chúng.
Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà một số quốc gia trong khu vực đã áp dụng những biện pháp mạnh như "phong sát", "cấm sóng" đối với những nghệ sĩ vi phạm đạo đức lối sống, pháp luật. Những hình thức răn đe đủ mạnh sẽ là sự cảnh tỉnh cần thiết cho những trường hợp tương tự.
Một hệ thống chế tài với các hình thức cấm sóng, cấm hoạt động trên mạng, cấm biểu diễn theo các mức 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng hoặc vĩnh viễn đang được Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) xây dựng đối với các trường hợp nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm pháp luật, hành xử trái đạo đức, thuần phong mỹ tục.
Hy vọng, với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn, văn hóa ứng xử của nghệ sĩ sẽ được cải thiện, nâng cao, giúp lấy lại niềm tin, sự yêu mến của đông đảo công chúng đối với những người hoạt động nghệ thuật, từ đó tạo điều kiện để môi trường nghệ thuật phát triển tích cực hơn.
Theo nhandan.vn