Nâng cao năng lực số và sức khỏe tinh thần cho trẻ
Cũng giống như các mạng xã hội khác, TikTok có điểm tích cực cùng nhiều hạn chế. Điều đáng nói, TikTok đã có những cuộc “xâm lấn” thực sự vào lối sống, suy nghĩ, hành động của một bộ phận người sử dụng trẻ. Trong khi chờ một cuộc “tổng kiểm tra” TikTok từ các cơ quan chức năng Việt Nam vào tháng 5 tới, chúng ta cần làm gì?
Người dân nghiện cờ bạc ở Australia mất khoảng 25 tỷ USD mỗi năm cho cờ bạc hợp pháp |
Tác hại từ “ma túy kỹ thuật số”
TikTok đang bị dư luận phản ứng vì chưa có những biện pháp kiểm soát hiệu quả dẫn đến nhiều nội dung tin giả, tin độc hại, nhảm nhí xuất hiện tràn ngập, được thuật toán phân phối nội dung tự động tạo xu hướng để phát tán tràn lan những nội dung phản cảm, độc hại làm lệch lạc nhận thức thế giới quan và lối sống của giới trẻ.
TikTok chưa kiểm soát được việc kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng nhái, quảng cáo thực phẩm chức năng quá mức, các nội dung phim ảnh vi phạm bản quyền. TikTok cũng chưa quản lý được việc sử dụng hình ảnh riêng tư của người khác để bôi xấu, bắt nạt, hay xúc phạm.
TikTok không chứng minh được việc quản lý độ tuổi người dùng, dẫn đến nhiều trẻ em tiếp cận những nội dung độc hại trên nền tảng này. Mặc dù tiêu chuẩn cộng đồng của TikTok phải từ 13 tuổi trở lên mới được cấp tài khoản, nhưng thực tế rất nhiều trẻ em dưới độ tuổi này đã tiếp xúc và có tài khoản. Chúng tham gia các thử thách trên TikTok và cũng đã có trường hợp tử vong do bắt chước các trào lưu như: thử thách ngất xỉu, thử thách chạy qua đường khi ô tô đang chạy, thử thách treo cổ…
TikTok đang gây nghiện cho giới trẻ bằng cơ chế giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh như dopamin khi xem video, làm ức chế vỏ não trán trước (chịu trách nhiệm kiểm soát sự xung động, trí nhớ và chú ý, thường không hoàn thiện cho đến tận 25 tuổi) dẫn đến việc trẻ càng nhỏ tuổi tiếp cận với TikTok càng trở nên khó ngủ, khó tập trung chú ý trong thời gian dài, trở nên mất kiên nhẫn, hành vi hung hăng, cáu bẳn và bỏ cuộc với những công việc đòi hỏi thời gian và công sức do quen với việc được đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu trên mạng xã hội. Nói về cơ chế gây nghiện, người ta ví Facebook như “cỏ Mỹ” (cannabis), còn TikTok như "ma túy kỹ thuật số" (digital cocaine crack).
Bên cạnh đó, việc lan truyền quá mức các video có nội dung không phù hợp, không chính xác và phản cảm có thể khiến trẻ em và thanh thiếu niên hình thành các chuẩn mực lệch lạc, so sánh bản thân với những giá trị phi thực tế, kiếm tiền bằng mọi cách vì chuộng cuộc sống sang chảnh, nghiện thẩm mỹ vì muốn có vóc dáng hoàn hảo, bắt chước những hành vi của “giang hồ mạng” chỉ vì nghĩ đó là anh hùng và không nhận ra được những thiên kiến, sự sắp đặt dựng chuyện đằng sau các video clip.
Người ta cũng đang lo ngại vì những thuật toán giới thiệu các video dựa trên tâm lý người dùng có thể làm những người có dấu hiệu lo âu, trầm cảm trở nên trầm trọng hơn. Sẽ ra sao nếu các thuật toán tự động giới thiệu để họ tiếp cận với những nội dung về nỗi buồn và sự trầm cảm của họ? Nó có thể thúc đẩy các hành vi tự hại và tự sát đặc biệt với người trẻ, khi khả năng kiểm soát cảm xúc và hành vi xung động chưa tốt.
Chúng ta phải làm gì?
Những giải pháp khả thi cho đến hiện tại là phòng ngừa và dạy kỹ năng. Cha mẹ cần ý thức rằng, không thể để trẻ tự do xem TikTok, vì não bộ của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi những nội dung xấu độc, bị bắt nạt, bị thu thập thông tin bất hợp pháp, và có thể bắt chước thực hiện một thử thách trên TikTok nguy hiểm đến tính mạng. Cha mẹ phải thỏa thuận và giới hạn thời gian sử dụng TikTok của trẻ em và vị thành niên. Phụ huynh có thể sử dụng các ứng dụng để giới hạn thời gian hoặc tính năng để kiểm soát thời gian và nội dung trẻ tương tác trên TikTok.
Gia đình và nhà trường cần phối hợp để giáo dục, nâng cao năng lực số cho trẻ, cụ thể gồm các khả năng hiểu và biết khai thác thông tin, dữ liệu một cách hiệu quả, biết cách đánh giá và sử dụng thông tin phù hợp đạo đức; hiểu quy tắc ứng xử và giao tiếp trên môi trường số; biết giao tiếp trên môi trường số theo chuẩn mực pháp luật; biết sáng tạo nội dung số phù hợp với các nguyên tắc ứng xử trên mạng xã hội và mang tính nhân văn, giáo dục… Tất cả những năng lực này giúp các em có kỹ năng, thái độ đúng đắn để tương tác an toàn trên mạng xã hội nói chung và mạng xã hội TikTok nói riêng.
Bên cạnh giáo dục nâng cao năng lực số, cũng cần giáo dục về sức khỏe tinh thần, nâng cao kỹ năng vệ sinh sức khỏe tinh thần để giúp thế hệ trẻ tăng cường kiểm soát hành vi cảm xúc của bản thân, tích cực tham gia vào các hoạt động trong thế giới thực và cân bằng cuộc sống thực và thế giới ảo.
Chúng ta cần phải yêu cầu các nền tảng mạng xã hội như TikTok có trách nhiệm giải trình với cơ quan chức năng Việt Nam về những tồn tại, đưa ra những giải pháp hiệu quả để loại bỏ những video nội dung độc hại, không phù hợp với văn hóa, không mang tính giáo dục, có biện pháp quản lý độ tuổi người sử dụng, đảm bảo nền tảng không tạo ra nguy cơ mất an toàn và phản giá trị; quản lý chặt chẽ việc vi phạm bản quyền hoặc quảng cáo sai lệch. Đồng thời, phải tạo ra nhiều kênh riêng biệt, tự chúng ta phải mang đến những trải nghiệm tích cực, nâng cao nhu cầu tiêu dùng văn hóa của những người trẻ trên nền tảng mạng xã hội.
Vì sao TikTok phổ biến? TikTok đã trở thành một ứng dụng mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam, đứng thứ 3 chỉ sau Facebook và Zalo. Bằng cách cung cấp các video ngắn từ vài giây đến vài phút, yêu cầu những người sáng tạo nội dung phải tập trung trình bày thông tin một cách ngắn gọn và bắt mắt, nắm bắt sở thích từng người, nhằm cung cấp nội dung hấp dẫn nhất với sở thích cùng chiến lược video nối tiếp vô tận, khiến khán giả bị sa vào hội chứng FOMO, tin rằng còn một nội dung hấp dẫn và gây sốc hơn nữa ở tiếp sau mà mình không được phép bỏ lỡ. Chính vì vậy, đến tháng 1-2023, tại Việt Nam đã có 49,86 triệu người dùng Tiktok và các quảng cáo của TikTok đã tiếp cận đến 64% tổng số người dùng Internet ở Việt Nam bất kể độ tuổi. Và Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về số lượng người dùng TikTok, trong khi Đông Nam Á là khu vực đứng đầu thế giới cũng về số lượng người dùng TikTok, theo thống kê của DataReportal. PGS-TS TRẦN THÀNH NAM Trường ĐH Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) |
Theo sggp.org.vn