"Cuộc cách mạng" một triệu ha lúa chất lượng cao
Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long" đang được lấy ý kiến chuyên gia, địa phương vùng châu thổ Cửu Long, dự kiến sẽ trình Chính phủ thông qua vào tháng 4/2023. Đề án được kỳ vọng tạo ra vùng nguyên liệu lúa an toàn, chất lượng, hướng đến giảm tác động môi trường, giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Đề án đặt mục tiêu nâng cao giá trị, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Ảnh: Đình Tuyển |
Cơ hội cho nông nghiệp sạch
Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đoàn công tác của Bộ và các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) đã khảo sát tình hình sản xuất lúa tại một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long để phục vụ xây dựng đề án.
Đến nay đã có 12/13 tỉnh, thành phố trong vùng đăng ký tham gia, với tổng diện tích dự kiến đến năm 2025 là 719.000ha và đến năm 2030 đạt 1.015.000ha. Bến Tre là tỉnh duy nhất không tham gia do có ít diện tích đất lúa. Theo ông Thắng, phần lớn diện tích đăng ký tham gia đề án đến năm 2025 là những vùng lúa có điều kiện thích hợp sản xuất lúa, được đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất tốt hơn những vùng còn lại. Đến năm 2030, tổng diện tích của các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng tham gia đề án là hơn một triệu ha.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, tỉnh đáp ứng được các điều kiện khi tham gia đề án, thậm chí tỉnh ra điều kiện còn "cao" hơn như sản xuất phải có hợp tác xã, hạ tầng bảo đảm, phải có doanh nghiệp thu mua… "Kiên Giang mạnh dạn đăng ký đưa 60.000ha vào sản xuất ngay từ năm đầu tiên thực hiện (năm 2024). Đây là dự án phát triển bền vững vùng, cũng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của Chính phủ và quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long…" - ông Toàn nói. Tuy nhiên, để thực hiện đề án, địa phương cần xác định rõ sáu thách thức lớn là: Nông dân phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; sản xuất phải đạt chuẩn, phải liên kết; phải tạo dựng thương hiệu gạo; khâu bảo quản, chế biến còn yếu; hạ tầng phải bảo đảm; việc chỉ đạo, tổ chức sản xuất phải hiệu quả.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, đối với ngành nông nghiệp, đây là dự án khởi đầu cho chương trình giảm phát thải, bắt đầu từ cây lúa. Đây cũng là bước đột phá thay đổi tư duy sản xuất, tập quán sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn, đáp ứng xu thế tăng trưởng xanh. "Chất lượng cao" trong đề án này phải được hiểu rộng hơn. Không phải là cung ứng một lượng gạo chất lượng an toàn, giá trị cao mà còn bảo đảm sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng... "Vùng lúa chất lượng cao phải bảo đảm yếu tố đầu tiên là giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra đa giá trị gồm bảo đảm an ninh lương thực, tăng chất lượng với lúa dinh dưỡng, hữu cơ tốt cho sức khỏe; tận dụng làm nguyên liệu cho năng lượng tái tạo, nông nghiệp tuần hoàn… Đặc biệt, nâng cao giá trị, thu nhập của nông dân", ông Nam nói.
Liên kết hợp tác xã và doanh nghiệp
Nhiều ý kiến chuyên gia nêu quan điểm, để thực hiện đề án thành công, những vùng lúa chất lượng cao sẽ phải áp dụng các quy trình canh tác bền vững hơn, sử dụng nguyên liệu đầu vào theo hướng giảm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật… Qua đó góp phần vào thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Chính phủ tại Hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) năm 2021.
Mặt khác, hiện mới có khoảng 10% diện tích lúa trên cả nước là có liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Để tạo nên sự khác biệt một triệu ha lúa chất lượng cao, nhiều chuyên gia nói rằng phải nâng con số kia lên 100%. TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất, cần xây dựng các vùng sản xuất lúa chuyên canh quy mô lớn. Trong đó, Nhà nước phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi, tưới tiêu chủ động; thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết bên trong và các cụm chế biến ở bên ngoài, kết nối với trục logistics. Khi xây dựng được vùng chuyên canh lớn, có sự tham gia liên kết, bảo đảm đầu vào, đầu ra của doanh nghiệp, sẽ thuận tiện áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, tiến tới tự động hóa…
Điều quan trọng là phải có cơ chế, chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia tích cực trong việc triển khai đề án, bởi chính doanh nghiệp là những người giúp tìm kiếm thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam. PGS, TS Bùi Bá Bổng, chuyên gia nông nghiệp đồng ý kiến, để thực hiện thành công đề án, mấu chốt là tổ chức lại sản xuất, liên kết với doanh nghiệp và các hợp tác xã. "Chúng ta có rất nhiều hợp tác xã và một trong những nhiệm vụ của hợp tác xã là liên kết nông dân với nhau, vì vậy đầu tiên cần phải củng cố được mạng lưới sản xuất này để xây dựng vùng nguyên liệu. Có những vùng nguyên liệu tốt sẽ thuận lợi hơn trong việc huy động doanh nghiệp tham gia", PGS, TS Bùi Bá Bổng nói.
Phía địa phương triển khai, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang mong muốn, đề án cần cụ thể hóa, chi tiết hơn nữa các mục tiêu, nội dung hoạt động; phân bổ diện tích rõ ràng cho từng tỉnh để mỗi địa phương có thể lượng hóa, hoạch định thành các hoạt động cụ thể, giúp đề án dễ thực hiện và thành công.
Để thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh còn đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là vai trò của chính quyền địa phương trong việc định hướng quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, hỗ trợ về cơ chế, chính sách để khuyến khích nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia vào vùng nguyên liệu.
Hiện tại đồng bằng sông Cửu Long có 1,6 triệu ha lúa chuyên canh. Nếu xây dựng được một triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao có thể làm ra hơn 12 triệu tấn lúa/năm, tương đương khoảng bảy triệu tấn gạo. |
(Theo nhandan.vn)