Hiện thực hóa giấc mơ nhà ở cho công nhân
(ABO) Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế gắn liền với công bằng, tiến bộ xã hội.
Ngày 19-4-2023, Đoàn công tác của Tổng LĐLĐ Việt Nam cùng lãnh đạo tỉnh Tiền Giang khảo sát thực tế công trình Dự án Thiết chế Công đoàn tỉnh tại Tiền Giang được xây dựng tại ấp Bình Tạo, xã Trung An, TP. Mỹ Tho. Ảnh: LÝ OANH |
Hiện Tiền Giang có 4 khu công nghiệp, 5 cụm công nghiệp và trên 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động, với khoảng 100 ngàn công nhân, lao động. Hầu hết các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh chưa quy hoạch, bố trí chỗ ở cho công nhân. Tuy nhiên, với mức lương thấp, công nhân khó mua được nhà, nên đa số công nhân hiện nay phải thuê trọ. Do vậy, công nhân ở Tiền Giang cũng như các tỉnh, thành khác của cả nước phải trông chờ vào việc trợ cấp của nhà nước, doanh nghiệp, nhằm thuê hay mua được những căn hộ phù hợp khả năng kinh tế, bảo đảm nhu cầu cuộc sống.
Trước nhu cầu nhà ở cho công nhân, lao động, đặc biệt là nhu cầu có nơi học tập, vui chơi, giải trí, khám, chữa bệnh... Trưởng Ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Lê Văn Nghĩa, mới đây trong chuyến làm việc tại Tiền Giang cho biết, từ năm 2015 - 2017, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về Đề án Thiết chế Công đoàn (gồm nhà ở, nhà văn hóa, thể thao, trạm y tế, nhà trẻ, dịch vụ, thương mại...) phục vụ công nhân khu công nghiệp.
Chính phủ đã có quyết định giao Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện 50 thiết chế Công đoàn. Hiện đã có 35 tỉnh, thành, trong đó có Tiền Giang đã giới thiệu địa điểm cho Tổng LĐLĐ Việt Nam để bố trí xây dựng. Đây là tin vui với rất nhiều công nhân, lao động làm công ăn lương của cả nước nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng, đang phải thuê nhà trọ có cơ hội được thuê, mua nhà ở xã hội với giá ưu đãi.
Theo đó, Dự án Thiết chế Công đoàn tại Tiền Giang có diện tích trên 3 ha, bố trí tại ấp Bình Tạo, xã Trung An, TP. Mỹ Tho. Khu đất này đã được tỉnh san lấp mặt bằng, đầu tư kết nối đầy đủ các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào dự án gồm: Cấp điện, nước, đấu nối đường giao thông… Từ khu đất này có thể tiếp cận đến các công trình y tế, giáo dục, văn hóa xã hội trên địa bàn.
Đoàn công tác của Tổng LĐLĐ Việt Nam cùng lãnh đạo tỉnh Tiền Giang khảo sát bên trong Nhà đa năng của Dự án Thiết chế Công đoàn tại tỉnh Tiền Giang vào ngày 19-4-2023. Ảnh: LÝ OANH |
Trên cơ sở khu đất được giao, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phê duyệt dự án đầu tư thiết kế cơ sở bao gồm các công trình: Các khối nhà ở chung cư cao tầng gồm 12 khối nhà ở 5 tầng và 2 khối nhà ở 12 tầng; nhà ở dịch vụ; nhà đa năng; khu dịch vụ thương mại, khu y tế; khu thể thao, văn hóa, công viên cây xanh... Tổng mức đầu tư của dự án gần 680 tỷ đồng.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 gồm hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án (bao gồm hạng mục san nền, cấp điện, cấp thoát nước, đường giao thông) và hạng mục nhà đa năng. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành vào năm 2021 và giai đoạn 2 sẽ hoàn thành các công trình nhà ở theo quy hoạch được duyệt và hoàn thành vào năm 2023.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Dự ánThiết chế Công đoàn tại Tiền Giang, do một số vướng mắc về quy định pháp lý liên quan và tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Tiền Giang diễn biến phức tạp kéo dài, toàn tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nên việc khởi công xây dựng các hạng mục giai đoạn 1 của dự án bị chậm tiến độ.
Trưởng Ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam Lê Văn Nghĩa cho biết, về tiến độ xây dựng thiết chế Công đoàn tại tỉnh Tiền Giang: Phần thiết chế văn hóa, thể thao đang thi công các hạng mục Nhà đa năng, hạ tầng kỹ thuật xung quanh (san nền, đường giao thông, cấp điện, cấp thoát nước…) dự kiến trong tháng 6-2023 hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng.
Về phần nhà ở, trong tháng 1-2022, Ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) đã có tờ trình về việc điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 Dự án Thiết chế Công đoàn tại Tiền Giang gửi UBND tỉnh Tiền Giang để phê duyệt. Sau các cuộc họp làm việc, giải trình và trao đổi thì đến nay UBND tỉnh Tiền Giang chưa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 của dự án trên để làm cơ sở triển khai các bước phục vụ lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở thuộc quy hoạch Khu thiết chế Công đoàn tại Tiền Giang.
Hạng mục Nhà đa năng Dự án Thiết chế Công đoàn tại tỉnh Tiền Giang đã gần hoàn thiện. Ảnh: LÝ OANH |
Để tháo gỡ khó khăn này, về phía tỉnh Tiền Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu và lãnh đạo Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, có những vấn đề phát sinh cũng như những vướng mắc do quy định hiện hành cần được xem xét kỹ lưỡng để Dự ánThiết chế Công đoàn có tính khả thi.
Trong đó, đồng chí Nguyễn Thành Diệu đề nghị Ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam điều tra lại thực tế nhu cầu nhà ở xã hội và tập quán sinh sống của người lao động tại TP. Mỹ Tho để đảm bảo tính khả thi trong mời gọi đầu tư và hiệu quả của đầu tư; thực hiện một số điều chỉnh về tổng mặt bằng dự án, thẩm quyền mời gọi đầu tư…
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho biết, tỉnh rất hân hạnh khi nhận được sự quan tâm đặc biệt của Tổng LĐLĐ Việt Nam, đặc biệt là triển khai Dự án Thiết chế Công đoàn trên địa bàn tỉnh. Quan điểm của Tiền Giang là sẵn sàng hợp tác để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên cơ sở pháp luật hiện hành.
Trước nhu cầu cấp bách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để “an cư, lạc nghiệp, mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ban hành Quyết định 388 phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiêp giai đoạn 2021 - 2030". Đề án được kỳ vọng mở ra cơ hội “an cư lạc nghiệp” cho đông đảo công nhân, lao động, người thu nhập thấp với mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2030 các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó 428.000 căn hoàn thành ở giai đoạn 2021 - 2025; 634.200 căn trong giai đoạn 2025 - 2030.
Phát triển nhà ở cho công nhân luôn được Đảng, Nhà nước xác định là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn còn rất nhiều “điểm nghẽn, nút thắt” từ các luật “gài chân” nhau; quỹ đất hạn hẹp; thủ tục hành chính rườm rà cho đến nguồn vốn vay ưu đãi khó tiếp cận... cho nên ước mơ về một căn nhà thu nhập thấp cho công nhân, lao động bao năm qua cứ “ì ạch”.
Và tại Lễ phát động Tháng công nhân - Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tổ chức Công đoàn các cấp phải sống cuộc sống của người lao động, nói tiếng nói của người lao động. Thiết nghĩ, đó không chỉ là nhiệm vụ riêng của tổ chức Công đoàn mà cần sự chung tay của các cấp, các ngành, địa phương. Trước mắt là “phải sống cuộc sống của người lao động” để thấy họ khổ thế nào? Mơ ước của họ về một căn nhà ra sao? Mơ ước về một môi trường sống với đầy đủ các thiết chế Công đoàn tại các khu công nghiệp để con cái họ không bị thiệt thòi thế nào?... Từ đó, các cấp, ngành, địa phương ngồi lại với nhau để tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc ở đâu và gỡ thế nào?
Có như vậy mới hiện thực hóa mục tiêu mà Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiêp giai đoạn 2021 - 2030" đặt ra và ước mơ về một căn nhà cho công nhân “an cư, lạc nghiệp” sẽ không còn xa vời.
HỮU NGHỊ