.

Hiểu đúng giá trị

Cập nhật: 14:50, 22/06/2023 (GMT+7)

Là ngôn ngữ phổ biến toàn cầu, việc biết và giỏi tiếng Anh trở thành lợi thế quan trọng trong học tập, công việc.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Chính vì vậy, số lượng lớn trường đại học và ngày càng nhiều trường THPT dùng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong đó có IELTS như một trong các phương thức xét tuyển sinh. Điều này đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào dạy, học tiếng Anh.

Bởi không chỉ học sinh, phụ huynh thấy được tầm quan trọng của việc học ngôn ngữ này, mà giáo viên cũng hiểu cần thay đổi cách dạy theo hướng giúp học sinh nắm bắt kỹ năng sử dụng tiếng Anh thành thạo. Đến thời điểm này, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ vẫn là đòi hỏi, một trong những mục tiêu ngành Giáo dục phấn đấu mỗi năm học.

Tuy nhiên, sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế ở mức độ nào cho phù hợp đang được đặt ra. Có ý kiến cho rằng, ngoại ngữ nói chung, trong đó có tiếng Anh chỉ là công cụ. IELTS không phải chìa khóa vạn năng mở ra thành công cho người học. Chứng chỉ IELTS không chứng minh được học sinh sở hữu nó có năng lực về Toán học, Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội...

Do đó, chứng chỉ này chỉ nên dùng để thay thế bài đánh giá năng lực tiếng Anh của học sinh, song song với việc đánh giá các yếu tố khác để đảm bảo các em đủ điều kiện theo đuổi kiến thức học thuật ở bậc cao hơn. Điều này đồng nghĩa việc không nên tuyển thẳng học sinh chỉ bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế mà cần cả điều kiện đi kèm.

Nhưng cũng có ý kiến tin tưởng vào khả năng của những học sinh đạt điểm IELTS cao và cho rằng học tốt tiếng Anh thường học tốt một số môn khác; hoặc ngoại ngữ giúp các em có cơ hội tiếp cận với tài liệu, kiến thức tốt hơn nên khả năng tự học cao hơn… Lại có ý kiến nói các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không có lỗi, IELTS không có lỗi; lỗi ở người dạy chỉ chú trọng dạy tủ, dạy theo chiến thuật; lỗi ở người học, không lấy mục tiêu thành thạo ngôn ngữ mà chỉ học tủ, học mẹo để lấy điểm số cao.

Riêng việc không nên để học sinh lao vào luyện thi IELTS quá sớm được nhiều ý kiến đồng tình và cho rằng, thời gian đầu tư thích hợp để học thi IELTS có lẽ là cuối cấp THCS, đầu THPT. Lý do, bài thi để đạt chứng chỉ này liên quan nhiều đến hiểu biết xã hội, thiên về tư duy lập luận, phản biện, yêu cầu từ vựng tương đối học thuật; do đó cần đến lứa tuổi có kiến thức, hiểu biết nền nhất định. Luyện IELTS quá sớm, học sinh có thể chịu áp lực lớn; thậm chí có thể làm mất đi niềm yêu thích, hứng thú trong học tập; hoặc vì đầu tư quá nhiều thời gian mà sao nhãng các môn học cần thiết khác.

Để tốt cho người học, các giáo viên dạy tiếng Anh khuyên nên để trẻ tiếp xúc với ngoại ngữ một cách tự nhiên, khuyến khích xem và nghe các video có tiếng Anh, thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Anh, chú ý học tốt môn Tiếng Anh trong trường học; đồng thời trang bị kỹ năng lập luận, phân tích qua các môn học cơ bản khác. Quan trọng nhất là gia đình và nhà trường cần hiểu đúng giá trị của chứng chỉ ngoại ngữ, cũng như tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức toàn diện cho người học, để có sự đầu tư phù hợp.

(Theo giaoducthoidai.vn)


 

.
.
.