Thứ Tư, 16/08/2023, 21:05 (GMT+7)
.

Để chiến dịch không chỉ có hiệu quả "tức thời"

Ngày 15-8, các địa phương trên cả nước đã đồng loạt ra quân tổng kiểm soát ô tô vận tải hành khách và hàng hóa bằng container, nhằm tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Đồng loạt ra quân tổng kiểm soát ô tô vận tải hành khách và hàng hóa bằng container.
Đồng loạt ra quân tổng kiểm soát ô tô vận tải hành khách và hàng hóa bằng container.

Đây là kế hoạch do Bộ Công an và Bộ GTVT phối hợp triển khai. Theo kế hoạch, lực lượng công an và lực lượng thanh tra giao thông sẽ tổ chức rà soát, kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Các nội dung chính được tập trung kiểm tra là điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp vận tải, điều kiện an toàn của phương tiện, công tác quản lý người điều khiển phương tiện, tình trạng phương tiện tại điểm xuất phát, chấn chỉnh nạn “xe dù, bến cóc”…

Chiến dịch ra quân này được triển khai trong bối cảnh nhiều vấn đề bất cập đang diễn ra trong lĩnh vực GTVT. Đó là, tai nạn giao thông tuy giảm ở các tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương nhưng nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng vẫn xảy ra, gây bức xúc trong dư luận. Điển hình là vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra mới đây tại tỉnh Gia Lai, làm 3 thành viên của CLB Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai tử nạn. Tài xế xe tải trong vụ tai nạn đã bị khởi tố vì vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, tình trạng “xe dù, bến cóc”, vi phạm về tải trọng… vẫn diễn ra phức tạp, kéo dài ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở những thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM.

Theo đại diện Cục CSGT, chiến dịch ra quân tổng kiểm soát ô tô vận tải hành khách và hàng hóa bằng container lần này được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 đã diễn ra từ ngày 1-8 đến 15-8, với nội dung tập trung tuyên truyền, vận động chủ xe, chủ doanh nghiệp và lái xe chấp hành pháp luật, ký cam kết bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Giai đoạn 2 được bắt đầu từ ngày 15-8 đến 15-10, các lực lượng chức năng sẽ kiên quyết xử lý những tài xế và phương tiện vận tải vi phạm. Việc tuyên truyền, vận động trước khi chính thức xử phạt nhằm mục tiêu tạo sự chuyển biến về ý thức của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vận tải. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là nó tạo ra sự đối phó đối với các lực lượng chức năng trong thời gian diễn ra chiến dịch. Thực tế đã cho thấy, mỗi khi các lực lượng chức năng ra quân tổng kiểm tra, xử phạt, các vi phạm đều giảm đáng kể. Nhưng khi chiến dịch kết thúc, các vi phạm vẫn tái diễn, thậm chí còn diễn biến phức tạp, nhức nhối hơn. Và đến nay, sau nhiều lần triển khai chiến dịch ra quân của các lực lượng chức năng, tai nạn giao thông nghiêm trọng, tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe quá tải… vẫn là căn bệnh chưa tìm ra thuốc chữa dứt hẳn.

Rõ ràng, những nội dung của chiến dịch tổng kiểm tra, kiểm soát ô tô vận tải hành khách và hàng hóa bằng container đều nằm trong nhiệm vụ thường xuyên của các lực lượng chức năng, nhằm đảm bảo hoạt động GTVT được thông suốt, an toàn. Nếu những nội dung này được duy trì đều đặn, thường xuyên, với tinh thần trách nhiệm cao của những người thực thi công vụ, ắt hẳn căn nguyên của những vi phạm sẽ được chặn từ gốc, vi phạm thực tế sẽ được giảm thiểu.

Việc tổ chức những chiến dịch ra quân tổng kiểm tra, kiểm soát luôn là cần thiết, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực của công tác quản lý nhà nước, nhưng nếu vẫn cách làm như từ trước đến nay, được báo trước thời gian thực hiện và chỉ quyết liệt trong thời gian diễn ra chiến dịch, chắc chắn hiệu quả sẽ lại chỉ mang tính “tức thời”. Và cứ lặp lại như vậy, hậu quả sâu xa là sẽ dẫn đến sự “nhờn luật”, làm giảm niềm tin của người dân đối với lực lượng chức năng, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của các cơ quan quản lý nhà nước.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.