Thứ Năm, 17/08/2023, 21:50 (GMT+7)
.

Sao cho thấu tình đạt lý

Suốt thời gian dài, câu chuyện về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông chưa được ngã ngũ.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Lí do là liên tiếp xuất hiện nhiều vấn đề khi triển khai. Các nội dung này đều liên quan trực tiếp đến quyền lợi của thầy, cô giáo.

Sở dĩ có tình trạng trên bởi việc thực thi chính sách liên quan đến chức danh nghề nghiệp, xếp lương của giáo viên có sự khác nhau giữa các địa phương. Có giáo viên học cùng trường sư phạm, tốt nghiệp cùng ngày, thậm chí có quyết định đi làm cùng tháng/năm và chỉ khác nhau nơi công tác. Song, thầy cô ở tỉnh này được hưởng lương đại học và bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp hạng II. Nhưng đồng nghiệp ở tỉnh khác vẫn chưa được hưởng lương theo bằng cấp và vẫn giữ hạng III.

Còn có địa phương yêu cầu giáo viên có bằng đại học 9 năm mới được nộp hồ sơ thăng hạng II. Hay có nơi vẫn yêu cầu giáo viên phải có minh chứng là chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. Ngoài ra, việc xác định tương đương đối với các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của từng hạng vẫn chưa thống nhất giữa các địa phương và lúng túng trong quá trình thực hiện.

Bộ GD&ĐT nắm bắt được những vấn đề nêu trên và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhà giáo. Xét trên mọi phương diện, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xét thăng hạng, xếp lương cho giáo viên không chỉ là quyền lợi của các thầy, cô khi đã đáp ứng điều kiện cần và đủ..., mà còn là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đối với nhà giáo.

Đây là cũng là lý do Bộ GD&ĐT ban hành chùm Thông tư 01 - 04 và Thông tư Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của chùm Thông tư này cùng một số văn bản liên quan khác. Mới đây nhất, Bộ GD&ĐT có Công văn số 4306/BGDĐT-NGCBQLGD gửi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông.

Công văn được nhiều địa phương, giáo viên ví như “cẩm nang” trong thực hiện bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp. Qua đó, bảo đảm thực hiện thống nhất quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông.

Lẽ tất nhiên, dù là luật hay nghị định, thông tư hoặc các văn bản quy phạm pháp luật cũng không thể bao quát đủ đầy tới hơn 1,1 triệu giáo viên các cấp. Bởi có những tình huống chỉ khi bắt tay vào triển khai mới nảy sinh vướng mắc.

Cũng cần nhìn nhận rằng, khi ban hành văn bản, cơ quan quản lý Nhà nước cũng bị ràng buộc bởi những quy định pháp luật khác nên nhiều điều Bộ GD&ĐT mong muốn nhưng chưa thực hiện được, chẳng hạn lương, phụ cấp cho nhà giáo. Đặc biệt, trong quá trình ban hành văn bản, có tình huống xảy ra trong thực tiễn mà cơ quan xây dựng văn bản chưa thể lường hết.

Vì thế, cần phát huy tính chủ động, linh hoạt của địa phương – nơi trực tiếp thực thi các chính sách cho nhà giáo. Tất nhiên, trong quá trình triển khai, nếu gặp khó khăn, vướng mắc và các tình huống phát sinh, địa phương có thể trao đổi, chia sẻ với Bộ GD&ĐT để cùng nhau tháo gỡ khó khăn sao cho thấu tình đạt lý.

Trên phương diện xây dựng chính sách, đây cũng là kênh thông tin quan trọng để Bộ GD&ĐT tiếp tục điều chỉnh, nhằm phát huy hiệu quả trong thực tiễn, đảm bảo quyền lợi tối đa, chính đáng cho đội ngũ, giúp các thầy cô yên tâm công tác.

(Theo giaoducthoidai.vn)

.
.
.