.

Tháo gỡ vướng mắc từ Nghị định 116

Cập nhật: 09:59, 18/08/2023 (GMT+7)

Từ năm 2018, Bộ GD-ĐT giữ quyền quyết định điểm sàn ngành sư phạm nhằm chấm dứt tình trạng điểm đầu vào ngành sư phạm chạm đáy.

Cùng đó, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (gọi tắt là Nghị định 116) có hiệu lực từ ngày 15-11-2020 và áp dụng từ tuyển sinh năm học 2021-2022 trở thành đòn bẩy để ngành sư phạm thu hút nhiều người giỏi, phục vụ các mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018. Tuy nhiên, các giải pháp này chưa thể giúp ngành sư phạm thoát khỏi nghịch lý thừa - thiếu cục bộ.

Năm 2023, ngành sư phạm lại xuất hiện một chuyện lạ, vui lẫn buồn. Vui là vì trong tháng 7-2023, ngành sư phạm xác lập kỷ lục khi điểm sàn một số ngành từ 23 đến 23,5 điểm, ngang bằng với điểm sàn của ngành y khoa. Điều này đồng nghĩa với khả năng sẽ có rất nhiều giáo viên giỏi trong 4 năm tới cho ngành giáo dục.

Nhưng buồn là trước đó 1 tháng, chỉ tiêu vào các ngành sư phạm của nhiều trường đại học, cao đẳng lại giảm so dự kiến, có ngành không được tuyển sinh, dù cả nước thiếu hàng chục ngàn giáo viên.

Chẳng hạn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 (Vĩnh Phúc) hồi đầu tháng 4 công bố tổng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên là hơn 2.670 người. Đến cuối tháng 5, trường được Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu đào tạo chỉ gần 920 người, giảm 1.750 chỉ tiêu so với dự kiến. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dự kiến tuyển hơn 3.000 sinh viên khối ngành đào tạo giáo viên song được Bộ GD-ĐT giao khoảng 2.400.

Tương tự, Trường ĐH Sư phạm TPHCM bị cắt giảm 300 chỉ tiêu; Trường ĐH An Giang (Đại học Quốc gia TPHCM) giảm 90 chỉ tiêu và hai ngành dự kiến mở mới là Sư phạm Khoa học tự nhiên và Sư phạm Lịch sử - Địa lý không được phê duyệt.

Ảnh minh họa (sggp.org.vn)
Ảnh minh họa (sggp.org.vn)

Chưa hết, trong lúc thí sinh đang đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng cho mùa tuyển sinh năm 2023, thì ngày 30-7, Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) bất ngờ thông báo trường chưa được UBND tỉnh Thanh Hóa giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên năm 2023 theo Nghị định 116. Do đó, trường đề nghị thí sinh có nguyện vọng theo ngành đào tạo giáo viên cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng sang các cơ sở giáo dục đại học khác. Cùng ngày, Trường ĐH VH-TT-DL Thanh Hóa phát đi thông báo tương tự.

Trong báo cáo của Bộ GD-ĐT gửi Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV (đầu tháng 5-2023) cho biết, các địa phương phải tuyển bổ sung 27.850 biên chế giáo viên trong năm học 2022-2023, nhưng mới tuyển được 15.540 người. Số giáo viên các địa phương chưa tuyển được trong năm học này là hơn 12.300 người. Vậy vì sao có tình trạng thiếu giáo viên nhưng chỉ tiêu đào tạo khối ngành này lại bị cắt giảm mạnh?

Theo lý giải của nhiều trường, cơ sở để Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu là dựa trên việc đặt hàng đào tạo giáo viên của các địa phương, sau đó phân bổ về các trường; song lại có tình trạng nhiều địa phương dù thiếu giáo viên vẫn không đặt hàng với bộ. Nguyên nhân được đưa ra là do những vướng mắc ở Nghị định 116.

Theo đó, sinh viên sư phạm do địa phương đặt hàng đào tạo sẽ được hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt (3,63 triệu đồng/người/tháng). Sinh viên diện này sau khi tốt nghiệp phải công tác trong ngành giáo dục, nếu không thì phải bồi hoàn kinh phí.

Do chưa có cơ chế ràng buộc giữa các sinh viên với địa phương chi tiền hỗ trợ, nên xảy ra tình trạng địa phương bỏ tiền ra cho đi học nhưng nhiều sinh viên không về phục vụ ngành giáo dục địa phương mà đến các thành phố lớn làm việc.

Từ đó, một số địa phương không cần đặt hàng mà vẫn được hưởng lợi; ngược lại, một số tỉnh, đặc biệt khu vực miền núi, vùng khó khăn đã bỏ kinh phí đặt hàng lại không có nguồn tuyển.

Những vướng mắc của Nghị định 116 cần được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế; còn các địa phương cần mạnh dạn đặt hàng và đừng sợ mất ngân sách của tỉnh. Vấn đề là các địa phương phải làm sao để thực sự thu hút sinh viên sư phạm về công tác, nếu có chính sách đãi ngộ tốt, mức lương đảm bảo chất lượng cuộc sống thì chắc hẳn sẽ không còn tái diễn tình trạng sinh viên sư phạm bỏ ngành hoặc sang các địa phương khác để làm việc.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.