Thứ Ba, 22/08/2023, 20:45 (GMT+7)
.

Tiếp sức cho sản phẩm OCOP

Các sản phẩm tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) thời gian qua đang trở thành động lực kinh tế của các địa phương, trọng tâm là khu vực nông thôn. Tuy nhiên, cái khó chung hiện nay của sản phẩm OCOP vẫn là bài toán đầu ra.

Nhiều địa phương xây dựng, phát triển được các sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 5 sao. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn
Nhiều địa phương xây dựng, phát triển được các sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 5 sao. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Nhiều địa phương xây dựng, phát triển được các sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 5 sao nhưng câu chuyện đưa sản phẩm đi xa hơn, vươn tầm đến vùng, miền khác trong nước hay xuất khẩu vẫn chưa đạt kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân chính là hoạt động xúc tiến thương mại thiếu đồng bộ, chưa hình thành được hệ thống mang tính kết nối, chuyên sâu về sản phẩm OCOP.

Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua việc chuyển tải những giá trị văn hóa, thổ nhưỡng, đặc trưng của sản phẩm... là hướng đi mới được ngành công thương, nông nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh bắt tay với sàn thương mại điện tử Tiki triển khai thực hiện. Người tiêu dùng sẽ được tiếp cận, tìm hiểu sâu sắc “1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP” của TP Hồ Chí Minh và gần 40 tỉnh, thành phố có hợp tác cung cầu hàng hóa. Chẳng hạn, với sản phẩm OCOP khởi đầu cho chương trình là tổ yến Cần Giờ, người tiêu dùng được hiểu rõ hơn về câu chuyện nuôi yến, quá trình thu hoạch, chế biến sản phẩm, đặc trưng khác biệt hương vị yến sào vùng biển Cần Giờ với sản phẩm cùng chủng loại của địa phương khác...

Cái bắt tay hợp tác giữa ngành nông nghiệp, công thương và sàn thương mại điện tử lần này sẽ góp lời giải để đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng hiệu quả hơn. Với yêu cầu khắt khe về câu chuyện thổ nhưỡng, khí hậu, văn hóa địa phương của từng sản phẩm, Chương trình “1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP” được kỳ vọng sẽ giúp sản phẩm OCOP tạo sự khác biệt, gia tăng giá trị.

Sản phẩm OCOP sẽ đóng vai trò như một “đại sứ” chuyển tải giá trị văn hóa đặc trưng của vùng, miền, tạo cảm xúc của người tiêu dùng khi lựa chọn hàng hóa. Nói cách khác, bán sản phẩm OCOP giống như trao gửi câu chuyện sản phẩm, sẽ tạo được thương hiệu bền vững trong khách hàng. Đó cũng là cách để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt hiệu quả về chiều sâu. Và hơn thế, tạo động lực mạnh mẽ cho các địa phương phát huy lợi thế đặc thù, cho ra nhiều sản phẩm độc đáo, mang niềm tự hào sâu sắc của từng địa phương.

Chương trình “1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP” chỉ mới chiếm khoảng 1/10 tổng số sản phẩm OCOP cả nước (theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hiện cả nước có hơn 9.800 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên). Để sản phẩm OCOP là lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng, ngoài đẩy mạnh thương mại điện tử cùng với sự nỗ lực của các địa phương, rất cần những giải pháp đồng bộ, hiệu quả mang tầm vĩ mô để định vị thương hiệu và hình thành chuỗi cung ứng, tiêu thụ bền vững.

Tăng cường liên kết vùng, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, phát triển sản phẩm OCOP xanh, chuẩn hóa tiêu chuẩn sản phẩm và tiêu chuẩn thương mại... là những việc cần làm ngay. Cùng với đó, cần mở rộng thị trường, đưa hàng hóa OCOP vào trung tâm thương mại, hệ thống phân phối, bán lẻ hiện đại và hoạt động du lịch trong nước, quốc tế. Các hoạt động này cần được tổ chức thường xuyên, đa dạng hình thức, tạo được sức lan tỏa để nâng cao hình ảnh, thương hiệu sản phẩm OCOP trên thị trường.

(Theo www.qdnd.vn)

 

.
.
.