.

Câu chuyện "bẻ kèo"

Cập nhật: 17:36, 12/09/2023 (GMT+7)

(ABO) “Bẻ kèo” - khái niệm không lạ, nhất là đối với ngành hàng nông sản. “Bẻ kèo” trở thành câu chuyện thường kỳ một khi có biến động về giá, đặc biệt khi hút hàng, giá tăng đột biến.

Câu chuyện “bẻ kèo” mới đây cũng được nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã phản ánh tại diễn đàn trực tuyến “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam” diễn ra vào sáng ngày 11-9. Có thực tế được các doanh nghiệp đưa ra đối với mặt hàng sầu riêng gần đây là: Việc tranh mua, bán diễn ra thường xuyên. Doanh nghiệp báo giá cho nông dân buổi sáng, đến chiều cơ sở vãng lai tăng thêm hai giá. Thậm chí, họ dòm ngó chọc ngoáy để nông dân bỏ liên kết. Điều này cho thấy các doanh nghiệp trong nước đang “đánh nhau” và tự thua trên sân nhà.

Không chỉ đối với sầu riêng, chuyện "bẻ kèo" cũng vừa diễn ra đối với ngành hàng lúa, gạo. Khi thị trường lúa, gạo thay đổi nhanh, giá biến động theo chiều hướng tăng, tình trạng “bẻ kèo” lại xảy ra. Thực ra, khi nhu cầu tăng cao, nguồn cung hạn chế, nhiều đầu mối thu mua, thậm chí là thu gom cho đủ đơn hàng xuất khẩu buộc lòng phải cho giá cao, thậm chí vượt xa mặt bằng giá thông thường, dẫn đến những cam kết giữa người nông dân và doanh nghiệp hay hợp tác xã ít nhiều sẽ bị lung lay. “Bẻ kèo” như căn bệnh trầm kha, cứ tái đi tái lại là như thế.

"Bẻ kèo" cũng xảy ra đối với vụ thu hoạch lúa gần đây - Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Thật ra, "bẻ kèo" không phải là câu chuyện mới của ngành Nông nghiệp nói chung, nông sản nói riêng, mà là câu chuyện cũ, thậm chí là rất cũ. Nó cứ tái đi, tái lại trong một vòng luẩn quẩn như thế nên dẫn đến liên kết trong sản xuất nông nghiệp rất khó bền chặt, hiệu quả chưa cao.

Việt Nam đang hướng đến một nền kinh tế nông nghiệp mang tính bền vững với các chuỗi liên kết sản xuất chặt chẽ, hiệu quả, nên tư duy cũng cần phải thay đổi.

Tuy nhiên, câu hỏi đang được đặt ra là để tiêu thụ trái cây nói riêng, nông sản nói chung, nông dân được khuyến khích ký kết với doanh nghiệp (thông qua hợp tác xã) làm mã vùng trồng rồi bao tiêu sản phẩm. Khi thu hoạch doanh nghiệp cho thương lái vào mua giúp nhưng giá biến động (kinh tế thị trường) nông dân thay đổi, cuối cùng vẫn bán cho thương lái, sản phẩm của nông dân vẫn đến tay doanh nghiệp (không mua được thương lái này thì mua thương lái khác).

Vậy khi nông dân thay đổi (gọi “bẻ kèo”) doanh nghiệp có dám đồng lòng không mua sản phẩm của vùng nông dân thay đổi không? Cái chính là doanh nghiệp vẫn mua những sản phẩm của nông dân “bẻ kèo” (qua thương lái khác), cuối cùng cũng vì lợi nhuận là trên hết.

Do đó, muốn cho chuỗi liên kết này bền vững chỉ khi nhận thức của nông dân được nâng lên (thông qua thu nhập bán có lãi đúng giá thị trường); doanh nghiệp đồng lòng, cương quyết chỉ mua sản phẩm ở những vùng mình có liên kết, có định vị mã vùng trồng, chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền và cương quyết xử lý việc “bẻ kèo” (chẳng hạn, trước mắt ai “bẻ kèo” thì không được tiếp cận các chính sách như Nghị định 98 của Chính phủ được triển khai thực hiện thời gian qua), sản phẩm “bẻ kèo” doanh nghiệp không thu mua, còn doanh nghiệp mà mua sản phẩm “bẻ kèo” thì phải xử lý xem như hàng hóa không chính gốc, hợp pháp.

Câu chuyện “bẻ kèo” tái diễn gần đây một lần nữa đánh lên hồi chuông báo động về tính bền vững của các chuỗi sản xuất của ngành Nông nghiệp. Mối liên kết của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp không bền chặt thì hiệu quả khó bền vững.

TA

.
.
.