Quan trọng là tự lực thoát nghèo
(ABO) Diễn đàn Quốc hội đang bàn luận về hiệu quả các chương trình mục tiêu Quốc gia đã và đang triển khai thực hiện. Các chương trình này được quan tâm đặc biệt không chỉ nằm ở số kinh phí thực hiện rất lớn mà còn tác động trực tiếp đến đời sống, sinh kế của của hàng chục triệu người dân cả nước.
Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay, cả 3 chương trình lớn (Chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) đều có nguy cơ giải ngân chậm so với tiến độ, tất nhiên đều có nguyên nhân của nó.
Thông qua chương trình tín dụng chính sách rất nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vươn lên thoát nghèo. |
Nhìn ở khía cạnh giảm nghèo, đây là chương trình mang tính nhân văn sâu sắc, nhằm giúp người dân thoát nghèo nhưng dường như, theo như đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa:“Tại sao cùng trong một điều kiện của khu vực, hoàn cảnh, có những người vươn lên thoát nghèo nhưng có những người cứ khó khăn mãi và chỉ mong được tiếp tục trong diện hộ nghèo? Tại sao có những người thoát nghèo thì buồn nhưng trở lại hộ nghèo lại vui? Vui vì họ quan tâm đến các chính sách hỗ trợ”. Câu chuyện này có lẽ cũng được khơi nguồn từ thực tế đã và đang hiện hữu.
Nhìn từ thực tiễn mới thấy rằng, thoát nghèo vẫn là câu chuyện dài và có nhiều khía cạnh đễ tiếp cận. Tất nhiên, không ai muốn gia cảnh cứ bần hàn và mang tiếng là nghèo. Thoát nghèo và vươn lên phồn thịnh là khát vọng của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi miền quê và lớn hơn là của cả quốc gia.
Song, tình trạng không muốn thoát nghèo đây đó vẫn còn diễn ra, dù với tỷ lệ rất nhỏ, nhưng nó vẫn phản ánh thực tế trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của nhà nước thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình tín dụng hay các chương trình từ thiện xã hội cũng như từ tấm lòng của các nhà hảo tâm.
Thay đổi tư duy thoát nghèo mới có thể giảm nghèo bền vững. |
Bởi trên thực tế, những hộ có trong tay cuốn sổ hộ nghèo được hưởng những chính sách ưu đãi: Được vay vốn tạo việc làm, học nghề, mua sắm trang thiết bị sản xuất, hỗ trợ hoặc cho vay xây dựng nhà cửa, được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được miễn học phí khi trẻ đến trường, được hưởng các trợ cấp đột xuất và được… nhận tiền Nhà nước hỗ trợ mỗi dịp lễ, tết… Trên các phương tiện truyền thông gần đây cũng phản ánh thực tế “đi lạc” vào hộ nghèo mới thấy những góc khuất của cuộc sống vốn đã và đang tồn tại.
Thoát nghèo là nhu cầu chính đáng của hầu hết gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đây cũng là mong muốn thông qua nhiều chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang được triển khai thực hiện. Song, tự lực thoát nghèo mới là con đường hiệu quả nhất.
Suy cho cùng, một khi không tự thay đổi tư duy để vươn lên thoát nghèo thì rất khó có chuyển biến tích cực. Bởi, các chương trình hỗ trợ cũng chỉ trao cho những chiếc "cần câu" sinh kế. Tư duy thoát nghèo thay đổi, đương nhiên cuộc sống sẽ thay đổi và từ thực tế hiện hữu, truyền thông xóa đói giảm nghèo cũng phải thay đổi.
TA