.

Báo chí "trỗi dậy" trước mạng xã hội

Cập nhật: 10:39, 10/12/2023 (GMT+7)

Các mạng xã hội, như Google, Facebook,… cung cấp thêm “giải pháp” để báo chí bùng nổ trong thời đại số. Nhưng cuộc chơi này đang không giành cho đại đa số.

Chính phủ Canada và Google vừa đạt được thỏa thuận giải quyết những tranh cãi liên quan tới Đạo luật Tin tức Trực tuyến của nước này.

a
Bộ trưởng Di sản Canada Pascale St-Onge gọi thỏa thuận với Google là thỏa thuận "mang tính lịch sử". Ảnh: AP.

Những “phát súng” đầu tiên

Theo đó, Thỏa thuận cho phép tin tức của các cơ quan truyền thông báo chí Canada tiếp tục được chia sẻ trên nền tảng của Google. Tuy nhiên, Google sẽ phải thanh toán khoảng 73,6 triệu USD mỗi năm cho các cơ quan sản xuất thông tin của Canada.

Ngoài Google, Meta cũng phản đối đạo luật và đã chặn tin tức của Canada trên nền tảng mạng xã hội của công ty này là Facebook và Instagram.

Trước đó vào năm 2021, Meta đã chặn tin tức khỏi nền tảng của mình ở Australia trong một thời gian ngắn sau khi nước này thông qua luật buộc các công ty công nghệ phải trả tiền cho các nhà xuất bản để sử dụng tin bài của họ. Sau đó, Meta đã đạt được thỏa thuận với các nhà xuất bản Australia.

Đó chỉ là vài trong rất nhiều sự việc cho thấy các nền tảng mạng xã hội đã lấn át quyền lực của báo chí. Giới nghiên cứu lịch sử báo chí có lý do để cảm thấy bất mãn khi so sánh tuổi đời hai thập kỷ của Facebook với sự có mặt của tờ báo in đầu tiên trên thế giới vào năm 1605 tại Pháp.

Nếu như Bộ luật “Thương lượng giữa nền tảng kỹ thuật số và truyền thông tin tức” ban hành tháng 3/2021 ở Australia mới chỉ gây áp lực với mạng xã hội thì Đạo luật tin tức trực tuyến của Canada có hiệu lực từ ngày 19/12 tới đây đạt được bước tiến đột phá khi Google phải trả số tiền rất lớn hàng năm cho các nhà sản xuất tin tức tại quốc gia Bắc Mỹ.

Như vậy, Báo chí phương Tây đã giành được thắng lợi đầu tay, theo đó Google đã bật “công cụ kiếm tiền” New Showcase ở Anh, Australia, Đức, Brazil, Argentina, Italia, CH Séc và Ấn Độ, cho phép các nhà xuất nội dung số giành lại “miếng bánh” khoảng 1 tỷ USD/năm.

Tuy nhiên, Facebook, Google tinh vi hơn những gì chúng ta tưởng, mọi thứ chỉ mới bắt đầu, quyền lợi khó có thể cào bằng. The Conversation - một tờ báo có quy mô nhỏ ở Australia vẫn than thở, dường như mạng xã hội lớn không quan tâm đến yêu cầu đàm phán của họ.

“Bài toán” không dễ với phần còn lại

Trong môi trường số, ảnh hưởng của báo chí, truyền thông hoàn toàn có thể đo đếm được. Về việc này, không cơ quan thống kê nào có thể làm tốt hơn các thuật toán siêu thông minh của Google và Facebook. Vậy tại sao hai nền tảng số hàng đầu này không có bất cứ cam kết nào tại Mỹ - nơi có những tờ báo, đài truyền hình, hãng tin lớn nhất thế giới?

Có thể nhận thấy, danh sách các quốc gia được các gã công nghệ này cam kết trả tiền cho báo chí có tính “phân chia” rất rõ ràng. Tại châu Âu là sự góp mặt của hai nền báo chí lớn nhất: Anh và Đức, trong khi đó Brazil, Argentina đại diện cho Nam Mỹ; tại châu Á, Ấn Độ là thị trường lớn nhất tính theo quy mô dân số. Cụ thể:

Thứ nhất, Facebook, Google ưu tiên nhượng bộ quyền lợi tại những thị trường bản địa giàu tính chiến đấu về mặt pháp lý. Đơn cử tại Australia, tổ chức Country Press Australia (CPA) là đơn vị đại diện cho 81 nhà xuất bản với 180 ấn phẩm toàn quốc, nơi tập hợp đội ngũ chuyên gia, luật gia hàng đầu về thông tin, truyền thông có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi cho các tòa báo.

Thứ hai, nói vậy không có nghĩa báo chí Việt Nam và phần còn lại không có cơ hội đòi quyền lợi từ các nền tảng số hàng đầu, mà vấn đề là thời gian và phương pháp đấu tranh. Nếu muốn sớm thấy thành quả, cần một dự thảo luật chặt chẽ buộc các nền tảng xuyên biên giới phải trả tiền cho cơ quan báo chí là điều cần được tính đến.

Thứ ba, xét riêng trường hợp Việt Nam, là thị trường tương đối lớn về kinh tế số, nơi mà Google, Facebook chiếm tới 80% thị phần quảng cáo. Hơn nữa, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có số lượng người sử dụng Facebook lớn nhất thế giới, tốc độ tăng trưởng Internet, thị hiếu trải nghiệm luôn ở top đầu châu lục. Do đó, các cơ quan báo chí Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để thỏa thuận với Facebook. Tuy nhiên, việc đàm phán đơn lẻ của từng cơ quan báo chí sẽ khó mang lại kết quả, mà cần có thương lượng tập thể, đặc biệt có sự hậu thuẫn của cơ quan chức năng thì mới hi vọng đạt được thành công.

Theo diendandoanhnghiep.vn
 

.
.
.