Đừng quá khuôn mẫu, cứng nhắc
Những ngày qua, nhiều tỉnh thành ở miền Bắc xuất hiện rét đậm, rét hại. Thầy hiệu trưởng của một trường ở huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc) lên “fanpage” của nhà trường thông báo: “Sáng mai và cả tuần, thời tiết có mưa và rét đậm, rét hại nên các em mặc sao cho đủ ấm là được. Trường thầy trò mình ở xa nhà, các em hãy chủ động dậy đúng giờ còn đi học. Nếu rét quá ngủ quên mà muộn giờ thì cứ mũ áo đầy đủ, gọn gàng rồi đi, thầy sẽ cho bảo vệ mở cổng. Chưa kịp ăn thì xuống bếp ăn sáng với thầy cô, mai thầy cô cũng ăn ở đấy”.
Ảnh minh họa. |
Bài đăng nhận được hàng ngàn lượt thích (like) và hơn ngàn lượt bình luận, chia sẻ với lời ngợi khen, ủng hộ. Nhưng cùng trong đợt rét đậm, rét hại này, lại có những dòng trạng thái, bình luận của phụ huynh về tình trạng ở nhiều trường, nhiều địa phương, thầy cô và ban giám hiệu vẫn đang cứng nhắc với quy định bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục khi tới lớp. Thậm chí có trường THCS ở một tỉnh, giáo viên còn nhắn trong nhóm phụ huynh nhắc nhở về việc một số học sinh không mặc đồng phục đi học. Ở nhiều trường, vì sợ thầy cô phê bình, bị sao đỏ ghi tên vào sổ theo dõi, nên nhiều học trò không dám mặc áo chống rét trong những ngày lạnh giá. Thậm chí, trời mưa rét 100C, nhà trường vẫn bắt học sinh mặc đồng phục (mà chỉ có loại áo gió 2 lớp mỏng) với lý do để tạo nề nếp hoặc “không tạo ra khoảng cách”. Tan học về nhà, môi học trò nào cũng tím tái…
Khi có rét đậm, rét hại diện rộng, cơ bản các địa phương ở miền Bắc thực hiện quy định khi nhiệt độ xuống dưới 100C thì cho học sinh mầm non và tiểu học nghỉ học, những nơi nhiệt độ xuống dưới 70C thì cho học sinh THCS, THPT nghỉ học. Sở GD-ĐT Hà Nội còn ra văn bản hướng dẫn, những ngày rét đậm, các trường có thể điều chỉnh thời gian học sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm. Trường hợp học sinh đến muộn vì lý do thời tiết, trường cần linh hoạt giải quyết để học sinh vào học; đồng thời phối hợp cha mẹ nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm, không bắt buộc học sinh mặc đồng phục trong những ngày trời rét...
Để học trò được mặc ấm, bảo đảm sức khỏe, nhiều trường đã linh hoạt cho học trò khoác thêm áo ấm dày (thường) bên ngoài đồng phục hoặc không yêu cầu phải mặc đồng phục, thậm chí cho học sinh nghỉ học khi rét đậm, rét hại. Tuy nhiên, nhiều nơi, việc này mới dừng lại ở chỉ đạo của lãnh đạo sở hoặc phòng giáo dục, còn xuống tới trường, tới thầy cô lại thực hiện không đồng nhất. Cho nên, Sở GD-ĐT tại các tỉnh, thành phố ở miền Bắc và Bắc Trung bộ, thậm chí là Bộ GD-ĐT, phải có văn bản quy định, hướng dẫn rõ hơn về vấn đề này.
(Theo sggp.org.vn)