.

Nhìn thẳng-Nói thật: Nỗi lo phim ngoại

Cập nhật: 20:49, 12/01/2024 (GMT+7)

“Tôi xót ruột khi cứ mở ti vi là thấy phim nước ngoài”. Đó là trăn trở của người đứng đầu Chính phủ khi nói về tình trạng phim nước ngoài lấn át phim Việt trên cả sóng truyền hình lẫn ngoài rạp. Vì tới 70% suất chiếu phim ở rạp nội là phim ngoại.

“Chúng ta đang chứng kiến thực trạng “xâm lăng văn hóa” vào tận phòng ngủ của mỗi gia đình, hiện diện trên điều khiển ti vi, xem YouTube, các kênh nước ngoài dễ hơn truyền hình Việt Nam”. Đó là nỗi lo của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông khi nhận thấy “làn sóng văn hóa” ngoại lai đã và đang xâm nhập vào từng bữa ăn, giấc ngủ của rất nhiều người Việt, nhất là giới trẻ.

Cả hai ý kiến đều được nêu ra tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam vừa được tổ chức cuối tháng 12-2023, tại Hà Nội.

Không phải bây giờ, mà nhiều năm nay, các chuyên gia văn hóa đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc khi tình trạng phim ngoại lấn át phim nội. Xem ra thực trạng này vẫn loay hoay, lúng túng khó tìm lối ra khả dĩ.

a
Những gương mặt diễn viên trong phim “Hương vị tình thân”, một trong những bộ phim truyền hình ăn khách trên sóng VTV. Ảnh: Báo Hà Nội mới

Mặc dù năm 2023 vừa qua được cho là năm bội thu của điện ảnh Việt khi phim nội mang về doanh thu hơn 1.560 tỷ đồng (chiếm khoảng 42%). Nhưng chính lãnh đạo Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thừa nhận, tín hiệu này “vui” mà chưa vội “mừng”. Bởi lẽ, số lượng sản xuất 40 phim/năm là con số quá ít ỏi so với thị trường điện ảnh 100 triệu dân Việt. Thực tế, vài ba phim ăn khách, doanh thu trăm tỷ đồng cũng chủ yếu do yếu tố may mắn nhất thời mang lại.

Theo thống kê của Cục Điện ảnh, trong giai đoạn 2010-2017, Việt Nam sản xuất và phát hành 250 phim truyện nhựa, nhưng chúng ta đã nhập khẩu và phát hành 1.101 phim nước ngoài. Như vậy, tỷ lệ phim ngoại gấp 4,4 lần so với phim nội. Phim ngoại “đổ bộ” vào thị trường Việt, làm chủ phần lớn không gian rạp chiếu và chiếm sóng của nhiều giờ vàng trên các kênh truyền hình (nhất là trên các kênh truyền hình địa phương), thì đâu còn cơ hội cho phim Việt “lên ngôi” và người Việt được thỏa thích xem nhiều phim Việt?

Có người cho rằng thời giao lưu hội nhập quốc tế, phim ngoại hay thì cứ để người Việt thoải mái xem, có gì mà ngại, mà “lo bò trắng răng”!

Xin thưa, nếu cứ để phim ngoại lấn lướt phim nội, cứ để người Việt “tiêu xài” quá nhiều phim ngoại thì cũng giống như “cơn xoáy ngầm” ẩn chứa trong “làn sóng văn hóa ngoại lai” đã, đang hằng giờ, hằng ngày luồn lách, len lỏi vào nhận thức, tư tưởng, tâm hồn người Việt, nhất là thế hệ trẻ. Đây là nguy cơ không thể xem thường, bởi khi thế hệ chủ nhân tương lai của nước nhà sính điện ảnh ngoại, nhớ làu làu tên phim ngoại, thuộc lòng tên diễn viên ngoại, bắt chước học đòi từ đầu tóc, trang phục đến phong cách giao tiếp, nói năng đều sặc mùi ngoại lai, thì còn đâu là gốc gác Việt, tâm hồn Việt? Khi trái tim đã sùng ngoại, đầu óc đã lai căng thì người ta đâu còn mặn mà thưởng thức các sản phẩm văn hóa nghệ thuật thấm đẫm hồn cốt Việt!

Lại nhớ đến sự than phiền của một cán bộ quản lý ngành điện ảnh Việt Nam: “Trong luật cũng đã quy định tỷ lệ phần trăm giữa phim ngoại-phim nội, nhưng số phim nội mỗi năm có đạt con số phần trăm ấy đâu. Không có phim nội thì chúng ta phải chấp nhận sự “xâm lăng văn hóa”!

Điều đó nghĩa là do chúng ta thiếu chiến lược đầu tư, hay có đầu tư nhưng chưa bài bản, thiếu hiệu quả, thế nên mới có tình trạng phim ngoại thắng phim nội ngay trên “sân nhà”. Nếu không sớm giải quyết căn cơ vấn đề này thì sự sốt ruột của người đứng đầu Chính phủ sẽ chưa “hạ nhiệt”; và nỗi lo “xâm lăng văn hóa” vào tận phòng ngủ nhiều gia đình Việt của lãnh đạo ngành thông tin và truyền thông vẫn còn dài dài...

Theo qdnd.vn

.
.
.