Thầy thuốc còn là sứ giả…
Lâu nay, chúng ta đã nghe câu “Lương y như từ mẫu” mà sau này được Bác Hồ nhấn mạnh là “Thầy thuốc phải như mẹ hiền” (ý từ Thư gửi cán bộ hội nghị y tế, ngày 27-2-1955). Đó là một đúc kết vừa mang tính khẳng định, ngợi ca vừa có ý yêu cầu, đòi hỏi các chiến sĩ mặc áo trắng thể hiện đầy đủ thiên chức của mình, đúng nghĩa của một “mẹ hiền”.
Bởi trong lúc người bệnh chịu nhiều cơn đau cùng lúc về thể xác, tinh thần, tình cảm, vai trò “mẹ hiền” rất quan trọng. Không chỉ vậy, thầy thuốc có thể thể hiện vai trò một sứ giả tích cực ở nhiều khía cạnh.
Trước hết, mỗi thầy thuốc là người truyền niềm tin vượt qua bệnh tật cho bệnh nhân và người nhà. Nếu không có niềm tin thì khả năng chiến thắng bệnh tật của bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng về thể chất lẫn tinh thần, cả ở việc phối hợp điều trị và tự điều trị, cả ở việc điều trị bằng thuốc và hình thức bổ trợ khác… Do đó, những thông báo tình hình bệnh, triển vọng khỏi bệnh, tiến trình điều trị… cần được thực hiện một cách khoa học, phù hợp.
Ở đây, thầy thuốc không “ru ngủ”, không tạo ảo tưởng về tâm lý cho bệnh nhân, nhưng không được làm họ hoang mang, sợ hãi. Thay vì nói “Những người mang bệnh này có 40% không thể qua khỏi”, thầy thuốc có thể nhận định “Những người mang bệnh này có đến 60% sẽ qua khỏi”…
Thầy thuốc cũng là sứ giả truyền cảm hứng, động lực để người bệnh có ý chí vượt qua bệnh tật mạnh mẽ hơn, chủ động và tích cực hơn. Trong nhiều phác đồ điều trị, bên cạnh các biện pháp y khoa còn cần các hoạt động bổ trợ như chế độ dinh dưỡng, tập luyện, nghỉ ngơi, thực hiện các kiêng cữ… Do đó, thầy thuốc cần giúp bệnh nhân chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp đó thay vì chỉ trông cậy vào thuốc men.
Thầy thuốc đương nhiên có thể làm sứ giả cho những điều tích cực, tốt đẹp ở việc ứng xử trong môi trường bệnh viện nói riêng và trong quan hệ xã hội nói chung. Khi bước chân vào bệnh viện, phần lớn người bệnh và thân nhân đều thể hiện sự tôn trọng đối với bác sĩ, y tá, điều dưỡng… và đặt niềm tin cũng như phó thác sức khỏe, tính mạng của mình vào đó.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người đến giờ vẫn gọi bệnh viện là “nhà thương”, bởi họ nghĩ nơi đó tình thương được thể hiện rõ nét. Nhưng nếu thầy thuốc, nhân viên y tế ở đó quát nạt, trịch thượng, đòi hỏi, vòi vĩnh, tìm cách trục lợi trên nỗi đau người bệnh, thì lòng tin của người đến khám chữa bệnh có lẽ giảm đi ít nhiều, hiệu quả điều trị sẽ không còn nguyên vẹn.
Vai trò sứ giả của thầy thuốc còn phản ánh ở khía cạnh lan tỏa, quảng bá hình ảnh đẹp cho một bệnh viện, một địa phương, một vùng đất, thậm chí một quốc gia. Một người bệnh được bác sĩ của một bệnh viện thăm khám chu đáo, tư vấn tận tình, động viên tình cảm…, ắt sẽ không chỉ quý trọng bác sĩ đó mà còn có ấn tượng tích cực với bệnh viện đó.
Một người ở tỉnh đến một bệnh viện ở thành phố được chăm sóc kỹ lưỡng, dễ ấn tượng tốt cả địa phương đó. Hiện nay, một số bệnh viện ở Việt Nam thực hiện mô hình du lịch y tế, thu hút bệnh nhân từ một số nước đến khám và chữa bệnh, vai trò sứ giả đó còn thể hiện ở tầm quốc gia chứ không còn dừng lại ở một bệnh viện cụ thể.
Theo kỳ vọng trước giờ, thầy thuốc thực hiện được “như mẹ hiền” đã là một điều rất quý; nay trong bối cảnh mới, thầy thuốc còn được kỳ vọng nhiều hơn, trong đó có yêu cầu về sứ giả cho những điều tốt đẹp. Đòi hỏi đó chắc không tăng thêm áp lực cho thầy thuốc mà chính là lòng tin yêu, sự gửi gắm của bệnh nhân và thân nhân, đồng thời từ đó có thể thúc đẩy mỗi thầy thuốc, mỗi nhân viên y tế không ngừng nâng mình lên để phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn!
(Theo sggp.org.vn)