.

Từng bước xóa sổ "truyền thông bẩn"

Cập nhật: 11:19, 15/03/2024 (GMT+7)

Thời gian gần đây, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, thuật ngữ “smear campaign” hay còn gọi là “truyền thông bẩn” ngày càng xuất hiện nhiều trên phạm vi toàn cầu như một vấn đề nghiêm trọng với những ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân, doanh nghiệp, xã hội.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Theo các chuyên gia, “truyền thông bẩn” là cụm từ miêu tả việc sử dụng các phương tiện truyền thông để lan truyền thông tin sai lệch, không chính xác, không minh bạch, hoặc giữa các nhóm lợi ích khác nhau để tạo ra sự đánh giá tiêu cực, ảnh hưởng đến uy tín của các tổ chức, cá nhân, hoặc thậm chí cả một quốc gia. Cụ thể hơn, “truyền thông bẩn” có thể chỉ đơn giản hướng tới thu hút sự chú ý của công chúng để đánh bóng tên tuổi bản thân, hoặc cố tình bôi nhọ nhằm kéo giảm uy tín của đối thủ như một chiến lược trong giới showbiz, doanh nghiệp...

Mới đây, không ít kẻ đóng vai “anh hùng chính nghĩa” đăng tải nhiều clip “bóc phốt” cá nhân, doanh nghiệp. Những quan điểm trong các clip này đều không có bằng chứng xác thực đi kèm nhưng vẫn thu hút lượng lớn người xem xuất phát từ sự tò mò và nhu cầu tìm kiếm thông tin về vấn đề liên quan. Đơn cử, trong lĩnh vực giáo dục, tài khoản có tên “Trùm phốt IELTS” từng là nỗi ám ảnh của không ít doanh nghiệp khởi nghiệp về mảng giảng dạy tiếng Anh.

Với những chiêu trò tinh vi, đối tượng nắm giữ tài khoản liên tục đăng tải bài viết thiếu căn cứ để hạ thấp uy tín nhà khởi nghiệp non trẻ. Mục đích chính của đối tượng là thu tiền “bảo kê” thông tin trên mạng xã hội. Chỉ cần nộp đủ tiền “mãi lộ”, doanh nghiệp sẽ được tung hô hết lời. Ngược lại, nếu cố tình phớt lờ khi bị nêu tên, kẻ tự xưng là “Trùm phốt IELTS” sẽ dùng mọi thủ đoạn để bẻ hướng dư luận nhằm hủy hoại danh dự của doanh nghiệp. Hành vi này sau đó đã bị Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phát hiện, xử phạt theo đúng quy định của pháp luật. Thế nhưng, sau khi bị “sờ gáy”, đối tượng vẫn tiếp tục hành vi nêu trên với những cách làm tinh vi hơn...

Ở Việt Nam, luật pháp đang không ngừng được hoàn thiện, dần tiệm cận với những đất nước phát triển trên toàn cầu. Trong đó, tiêu biểu có các quy định về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ theo Điều 331 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ cho tới tù giam. Để thượng tôn pháp luật, thực thi có hiệu quả Bộ luật Hình sự nói chung, xử lý triệt để những bức xúc về “truyền thông bẩn” núp bóng các quyền tự do dân chủ nói riêng, cơ quan chức năng cần siết chặt hơn nữa các chính sách, quy định liên quan quản trị mạng xã hội.

Hiện nay, thiết bị công nghệ, mạng xã hội và ứng dụng trực tuyến đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Giới chuyên môn đã đưa ra khái niệm “công nghệ thuyết phục” (persuasive technology) để chỉ việc thu thập dữ liệu, phân tích hành vi người dùng để “gây nghiện”. Nói cách khác, càng tiếp cận mạng xã hội, con người càng dễ bị ảnh hưởng cả về tính cách lẫn thế giới quan, thậm chí khiến một bộ phận người dùng bị phụ thuộc, mất đi tư duy phản biện và khả năng nhận diện “truyền thông bẩn”.

Vì vậy, cơ quan chức năng cần tăng cường đấu tranh, từng bước xóa sổ “truyền thông bẩn”. Bởi trên mọi lĩnh vực và trong cả cuộc sống tâm tư, tình cảm, “truyền thông bẩn” đã và đang khiến mọi thứ trở nên mơ hồ, tiếp sức cho những thứ gọi là “quyền lực ảo”, đánh đổ niềm tin về tất cả mọi điều diễn ra trong cuộc sống thực.

(Theo nhandan.vn)

.
.
.