.

Hạn, mặn và bức tranh kinh tế của vùng

Cập nhật: 16:18, 11/03/2024 (GMT+7)

(ABO) Độ mặn đo tại cống Xuân Hòa được công bố vào ngày 11-3 đạt mức 8,7 g/l, cao hơn ngày hôm trước 0,3 g/l, cao hơn cùng kỳ năm 2023 là 7,53 g/l và cao hơn cùng kỳ năm 2016 là 4,5 g/l.

Đây có lẽ là độ mặn khá cao so với mức trung bình của nhiều năm qua. Bởi so với thời điểm được xem là hạn, mặn gay gắt như năm 2016, độ mặn được đo tại Cống Xuân Hòa ở thời điểm hiện nay đã cao hơn mức của năm 2016 khá nhiều.

Sở dĩ độ mặn ngay cống Xuân Hòa (thuộc xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) được quan tâm nhiều nhất bởi cống Xuân Hòa mang ý nghĩa rất quan trọng trong việc cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho cả vùng ngọt hóa Gò Công, nhất là vào mùa hạn, mặn mỗi năm. Tất nhiên, khi độ mặn ở cống Xuân Hòa tăng cao thì nhiều khu vực khác dọc sông Tiền thuộc tỉnh Tiền Giang cũng chịu ảnh hưởng theo.

Cụ thể, độ mặn ghi nhận tại cầu Kinh Xáng (xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) được công bố vào ngày 11-3 cũng ở mức 2,36 g/l, cao hơn 2,36 g/l so với cùng kỳ 2023 và cao hơn 1,37 g/l so với cùng kỳ 2016; tương tự, tại phà Thới Lộc (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cũng được ghi nhận ở mức 0,25 g/l, cao hơn năm 2023 là 0,25 g/l và thấp hơn cùng kỳ năm 2016 là 0,75 g/l.

b
Việc Tiền Giang đầu tư các cống ngăn mặn đã phát huy hiệu quả rất cao trong việc bảo vệ vùng trồng cây ăn trái phía Tây của tỉnh trong mùa hạn, mặn năm nay.

Một trong những nguyên nhân chính làm cho độ mặn tăng cao hiện nay là do vào đợt cao điểm của triều cường cùng nhiều yếu tố tác động khác. Chính vì vậy, ngoài cửa ngỏ sông Tiền, độ mặn từ các nhánh sông khác như trên sông Soài Rạp và kinh Chợ Gạo, hay sông Hàm Luông cũng được ghi nhận ở mức khá cao. Điều này cũng sẽ gây ra không ít khó khăn cho công tác sản xuất và sinh hoạt của người dân trong vùng.

Thật ra, trong mùa hạn, mặn năm nay, nhờ chủ động thực hiện nhiều giải pháp từ sớm, nên tình hình sản xuất, sinh hoạt của người dân, nhất là vùng ngọt hóa Gò Công và vùng chuyên canh cây ăn trái của tỉnh Tiền Giang đến thời điểm hiện nay cũng cơ bản được đảm bảo. Điều đặc biệt là bên cạnh việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp của Nhà nước, người dân trong vùng cũng đã chủ động hơn rất nhiều trong công tác phòng, chống hạn, mặn, nhất là rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm từ mùa hạn, mặn gay gắt của năm 2015-2016 và năm 2019-2020.

Tuy nhiên, theo dõi diễn biến của mùa hạn, mặn năm nay mới thấy có những thời điểm độ mặn tăng rất cao, nhất là những đợt triều trong tháng 2 và đầu tháng 3 vừa qua, vượt qua cả những đợt cao điểm của những năm gay gắt nhất thời gian qua. Điều này cho thấy, diễn biến ngày càng bất thường và khắc nghiệt của thời tiết rất khó đoán định. Và như thế, nếu không có nhiều kịch bản ứng phó hiệu quả từ trước, thì tác động của hạn, mặn đối với sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân cũng sẽ không hề nhỏ.

Nhìn trên bức tranh rộng hơn, tình hình hạn, mặn năm nay cũng đã và đang tác động lớn đến nhiều tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhiều giải pháp ứng phó cũng đã và đang được đưa ra nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của hạn, mặn và sinh kế của người dân. Bức tranh kinh tế của vùng đồng bằng châu thổ này một lần nữa lại gồng mình vượt qua khó khăn như đã từng vượt qua trong các đợt hạn, mặn khốc liệt của năm 2015-2016 và gần nhất là đợt hạn, mặn của năm 2019-2020. Kinh tế nông thôn trong vùng vì thế cũng vơi đi khá nhiều.

Thật ra, diễn biến bất thường của thời tiết vừa qua cũng nằm trong chuỗi tác động của biến đổi khí hậu đối với vùng ĐBSCL đã được các chuyên gia đặt ra nhiều năm và nhiều giải pháp ứng phó cũng đã được khuyến cáo. Thế nhưng, bấy nhiêu vẫn chưa đủ đối với vùng đồng bằng được xem là trù phú này, bởi tác động của biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nhanh và mang tính bất thường hơn, nên việc tác động đến đời sống và sinh kế của người dân là lẽ đương nhiên, nhưng ít nhiều cũng còn tùy vào diễn biến mỗi năm. Bởi trong rất nhiều hội nghị, các chuyên gia đều đưa ra khuyến nghị rằng, khu vực này hiện nay phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng của biến đổi khí hậu như: Thiên tai, ngập mặn và sạt lở bờ sông, bờ biển đang ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông, lâm, thủy sản cũng như ảnh hưởng đến phát triển ổn định, bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường, đe dọa trực tiếp đến sinh kế, sản xuất, đời sống của người dân ĐBSCL.

Thật ra, những vấn đề nội tại của Tiền Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung cũng đã được nhận diện. Nhiều diễn đàn quan trọng bàn về bức tranh của ĐBSCL cũng đã được tổ chức. Điểm đặc biệt là Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu cũng đã định rõ con đường phía trước của vùng đồng bằng này. Một trong nững chủ trương và định hướng chiến lược phát triển cho ĐBSCL là xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội.

Mới đây nhất, Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã chỉ rõ, đến năm 2030, vùng ĐBSCL là vùng sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; là trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Nhìn từ thực tiễn của hạn, mặn những ngày qua mới thấy, sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội từ biến đổi khí hậu mới là con đường hợp lý cho vùng kinh tế này. Kịch bản này cũng đã và đang được các tỉnh, thành trong vùng triển khai và mang lại hiệu quả thiết thực.

TT

.
.
.