Thứ Bảy, 25/05/2024, 15:16 (GMT+7)
.

Cẩn trọng khi tiếp cận thông tin trên mạng xã hội

Ngày 22/5, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an phát thông báo đang kiểm tra, xác minh tin báo của Ngân hàng Sài Gòn-Thương Tín (Sacombank) về dấu hiệu tội phạm do ông “Đặng Tất Thắng lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

b

Ông Đặng Tất Thắng.

Trước đó, vào ngày 1/4 tài khoản Facebook “Thang Dang” được cho là của ông Thắng thông tin 1 lãnh đạo của Sacombank bị cấm xuất cảnh. Tuy chỉ là một thông tin của cá nhân được đăng tải trên mạng xã hội nhưng ảnh hưởng tiêu cực của nó thì không hề nhỏ.

Hiện nay, rất nhiều người dùng mạng xã hội như một thói quen, hành động theo lập trình sẵn, đó là vuốt, xem, thích và rồi chia sẻ. Họ có thể dừng lại ở những thông tin cảm thấy phù hợp, lay động trước những cảm xúc nhưng lại “bỏ qua” trong phân tích nội dung hay tự kiểm chứng thông tin và nguy hiểm hơn khi có người dễ dàng tự xem đó là thông tin chính xác. Điều này góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho tin giả, tin sai sự thật lan truyền rộng rãi.

Đáng lo ngại là tin giả, tin sai sự thật hiện nay có thể tạo ra bằng nhiều phương thức một cách dễ dàng trên các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok. Với đặc điểm là dễ ẩn danh, lan truyền nhanh nên mạng xã hội trở thành môi trường thuận lợi cho hoạt động phát tán tin giả, tin sai sự thật. Trong khi đó, việc xử lý, ngăn chặn loại tin này của các cơ quan quản lý vẫn còn chậm, khó khăn, phải thực hiện theo quy trình khi liên quan rất nhiều lĩnh vực, thuộc quản lý của nhiều bộ, ngành, tổ chức khác nhau. Do đó, những thông tin vi phạm pháp luật này càng có “cơ hội” tồn tại lâu trên mạng, gây ảnh hưởng trên phạm vi rộng.

Công nghệ phát triển nhanh chóng đang tạo ra công cụ cho các đối tượng muốn tung tin giả, tin sai sự thật một cách tinh vi hơn thông qua trí tuệ nhân tạo AI, Deep Fake để giả mạo gương mặt, giọng nói. Tại Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới đã nhận định thông tin gây hiểu lầm và tin giả do AI gây ra là mối đe dọa lớn, xếp thứ hai trong 20 rủi ro toàn cầu lớn nhất năm 2024, được đánh giá cao hơn cả các vấn đề biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang, kinh tế suy giảm và ô nhiễm. Điều đó là mối đe dọa lớn đối với chúng ta, đồng thời cũng đặt ra thách thức cho các cơ quan quản lý.

Nhưng trước khi nghĩ tới việc các cơ quan chức năng xây dựng các biện pháp ngăn chặn thì mỗi chúng ta cần phải thay đổi nhận thức và trách nhiệm trong việc tiếp cận, truyền tải thông tin. Hơn lúc nào hết, mỗi người hãy tự tạo cho mình “bộ lọc” thông tin bằng kiến thức và sự tỉnh táo. Tự do ngôn luận là quyền được hiến định trong Hiến pháp năm 2013 nhưng tự do phải trong khuôn khổ pháp luật quy định, phù hợp với đạo đức, văn hóa của dân tộc.

Tự do ngôn luận khác hoàn toàn với việc “thoải mái” bôi nhọ, xâm hại đến tổ chức, cá nhân, dân tộc. Bất kỳ ai, là người tạo thông tin hay chỉ xem thông tin qua mạng xã hội cần phải có trách nhiệm, kỷ luật trong việc viết và truyền tải thông tin. Đừng vội tin khi chưa kiểm chứng. Nếu chưa thể phát hiện ra đó là tin giả, tin sai sự thật, hãy đừng chia sẻ. Đó là những điều rất dễ và ai cũng có thể làm được, để tin giả, tin sai sự thật không còn “đất sống”.

Theo Báo điện tử Nhân Dân

.
.
.