Không thể lơ là hơn nữa
Bóng đá Việt Nam vừa xảy ra liên tiếp các sự cố buồn. Sau vụ việc cầu thủ dàn xếp tỷ số để thắng cá cược ở đội hạng nhất Bà Rịa - Vũng Tàu đến lượt nhiều cầu thủ Hà Tĩnh sử dụng ma túy.
Sự cố về 5 cầu thủ sử dụng ma túy khiến Hà Tĩnh không có đội hình mạnh nhất cho trận đấu gặp Bình Định. Ảnh: thethao.sggp.org.vn |
Những hình thái tiêu cực tưởng chừng đã bị triệt tiêu sau giai đoạn thăng hoa của bóng đá Việt Nam nhiều năm qua nay bị phát hiện, rõ ràng là đã ở mức báo động đỏ, đặt nền bóng đá nội địa vào trạng thái phản ứng khẩn cấp đối với công tác quản lý cầu thủ.
Điều nguy hiểm ở 2 vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng nói trên là có số đông cầu thủ cùng thực hiện hành vi và nhất là rất nhiều cầu thủ trẻ, thậm chí có cả tuyển thủ quốc gia vừa đá U23 châu Á vừa qua. Các vụ việc này đã được theo dõi từ lâu. Vì vậy, sự việc càng nghiêm trọng hơn ở tính tổ chức và hệ thống, chắc chắn xảy ra ở một thời gian dài.
Cần phải đặt vấn đề một cách toàn diện hơn, không nên xem đây là chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” mang tính thiểu số nếu chúng ta nhìn vào thành phần cầu thủ tham gia cũng như hành vi cấu thành tội phạm. Trước hết, nên chăng làm rõ trách nhiệm của các đơn vị quản lý, nhất là cấp CLB, gồm những nhà quản lý và bộ phận chuyên môn. Những hành vi đánh bạc hay sử dụng chất kích thích nhiều hay ít đều có những biểu hiện cụ thể trong cách hành xử của cầu thủ khi thi đấu cũng như quá trình sinh hoạt trong tập thể. Nghĩa là nếu CLB có hệ thống giám sát tốt, nhận thức được những rủi ro vốn đã được các cơ quan quản lý cảnh báo sẽ ngăn ngừa được sớm, qua đó cũng giúp cầu thủ hạn chế nguy cơ “nhúng chàm”, tự hủy hoại sự nghiệp.
Bản chất của vấn đề nằm ở ý thức chuyên nghiệp của cả nền bóng đá, bao gồm cầu thủ, những chủ sở hữu CLB, người làm chuyên môn và đơn vị điều hành bóng đá như Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) hay Công ty VPF. Không thể chờ đợi việc cầu thủ tự giác nâng cao ý thức chuyên nghiệp mà nên bắt đầu từ cơ chế quản lý con người của CLB bởi đây là điều thiết thân với đội bóng. Cầu thủ có đạo đức, ý thức tốt mới thi đấu tích cực cho CLB. Bất kỳ CLB nào không xem trọng việc quản lý cầu thủ sẽ khó có thể trở thành một đội bóng chuyên nghiệp thực thụ.
Còn ở góc độ rộng hơn, những cơ quan chức năng như VFF và VPF xem xét đưa ra một giải pháp đồng bộ, từ siết chặt kỷ luật, giám sát thực chất trong thi đấu đến nâng cao tính minh bạch về tài chính và cơ chế quản lý của các đội bóng. Chúng ta phát triển bóng đá chuyên nghiệp là để nâng cao tính cạnh tranh giữa các CLB với nhau, qua đó thúc đẩy động lực thi đấu của cầu thủ thông qua thu nhập và khả năng duy trì sự nghiệp lâu dài. Nếu các giải đấu chuyên nghiệp thiếu tính cạnh tranh, thừa các trận đấu vô bổ đó chính là tiền đề cho sự trượt dài về đạo đức, lối sống, tư duy chuyên nghiệp của cầu thủ. Nếu các CLB chỉ làm bóng đá với mục tiêu duy nhất là trụ hạng, không nêu cao tinh thần màu cờ, sắc áo, chắc chắn sẽ lơ là công tác quản lý và cầu thủ cũng sẽ “tát nước theo mưa”.
Bài học rất rõ ràng: Những án phạt, kỷ luật hay cả các phiên tòa hình sự cũng chưa đủ để phòng chống tiêu cực. Quan trọng nhất vẫn là ngăn ngừa từ chính gốc rễ, chính là văn hóa CLB, là khâu đào tạo song hành từ chuyên môn đến văn hóa. Bóng đá Việt Nam đang ở một giai đoạn bấp bênh, tiến chưa được nhiều nhưng đã hổng phần nền tảng từ chất lượng cầu thủ trẻ đến suy thoái về đạo đức, sinh hoạt của cầu thủ. Phải chăng, đây là hệ quả của việc lơ là trong công tác quản lý, điều hành do mãi thăng hoa, mơ mộng với nhiều mục tiêu quá tầm.
(Theo sggp.org.vn)