Quyền từ chối
Trong sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội, mối quan hệ giữa nghệ sĩ và công chúng trở thành tương tác mang lại thu nhập cho cả hai phía. Tuy nhiên, cũng từ quyền ngưỡng mộ hay yêu mến, người ta sẵn sàng dùng quyền từ chối khi nghệ sĩ mà mình yêu thích vướng quá nhiều lùm xùm.
Một nữ ca sĩ gen Z đang vướng lùm xùm tình cảm, sau đó cô nhiều lần viết tâm thư và livestream (phát trực tiếp) để tăng giao lưu cùng khán giả, gửi lời xin lỗi và mong muốn được sự đón nhận trở lại trên các sân khấu. Nhưng câu trả lời của số đông khán giả vẫn là không, bởi thái độ và tâm thư xin lỗi bị đánh giá là chung chung và cũng không nhận sai ở phía mình.
Sau những ồn ào quanh việc chu cấp không thỏa đáng cho con, nam ca sĩ J. dù đầu tư hẳn một sản phẩm âm nhạc mới, kể cả mượn tên ngôi sao thể thao nổi tiếng trên thế giới, thì khán giả vẫn không đón nhận. Và gần nhất là ca sĩ T. (thành viên một nhóm nhạc vừa tan rã) liên tục có những bài viết nói xấu các mối quan hệ tình cảm cũ, đòi lại tiền nuôi con và đỉnh điểm là nội dung chia sẻ trên trang cá nhân liên quan đến chất cấm. Nhận thấy phản ứng từ khán giả, ban tổ chức đêm nhạc vào tháng 7 tại TP Hà Nội và một đơn vị tổ chức chương trình ca nhạc vào ngày 11-5 tới tại TPHCM đã ra thông báo chính thức ngừng hợp tác với ca sĩ T.
Lợi thế lan tỏa thông tin nhanh chóng trong tích tắc của mạng xã hội góp phần không nhỏ để nhiều người trẻ hoạt động nghệ thuật nhanh chóng khẳng định tên tuổi. Nhưng cũng chính trong sức mạnh của nền tảng số, quyền khán giả - cụ thể là quyền đón nhận hay từ chối sản phẩm nghệ thuật, giải trí hay một nghệ sĩ nào đó, cũng rõ ràng hơn bao giờ hết.
Người nổi tiếng thường dễ vướng lùm xùm, tuy nhiên nếu là kiểu “tai bay vạ gió”, khán giả, nhất là khán giả trẻ, không thiếu những hội nhóm minh oan cho thần tượng. Nhưng nếu cứ ỷ lại vào sự nổi tiếng để có thể bất chấp mọi giá trị, nhất là những giá trị thuộc về đạo đức và lối sống lành mạnh, thì quyền từ chối cũng sẵn sàng để loại bỏ những hình ảnh không đẹp. Và với nhiều khán giả trẻ hiện nay cũng không còn dễ dãi trong việc đón nhận thần tượng, bằng chứng chính là phản ứng từ chối xem, nghe, đọc sản phẩm của một số nghệ sĩ thiếu thiện chí, không nhận sai… Tự bản thân họ đã tạo bộ lọc trong việc tiếp nhận và dùng quyền từ chối để khẳng định quan điểm của mình. Bởi sản phẩm tác động vào đời sống tinh thần, nếu được thực hiện từ những người nổi tiếng chưa chuẩn mực, ít nhiều sẽ tác động lệch lạc đến người thụ hưởng, nhất là người trẻ.
Theo sggp.org.vn