Miền Tây... khát nước
Ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, tình trạng hạn mặn đang diễn ra khốc liệt vượt cả mức lịch sử năm 2016 và 2020. Dù mới bắt đầu cao điểm hạn mặn, nhưng hàng nghìn héc-ta lúa đã bị chết khô, đường sụt lún, nhiều vuông tôm bị ảnh hưởng... đặc biệt, hơn 50.000 hộ gia đình ở miền Tây Nam Bộ thiếu nước sinh hoạt.
Trước thực trạng đáng lo ngại đó, ngày 1-4 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chỉ thị yêu cầu các tỉnh, thành phố, nhất là các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Trung Bộ chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt.
Sống giữa miền sông nước mà người dân lại “khát” nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất, nghe qua tưởng lạ, tưởng nghịch lý nhưng thực tế từng xảy ra từ các đợt hạn, mặn trước đó.
Ảnh minh họa:Vietnam+ |
Xót xa với cảnh tượng người dân phải xếp hàng ngày đêm để chở nước về sử dụng hay phải mua nước với giá đắt đỏ. Cảnh hạn mặn gây thiếu nước ngọt phục vụ nhu cầu đời sống người dân không phải mới nhưng dường như sự chủ động ứng phó chưa được chú trọng (?). Hằng năm, mỗi đợt hạn mặn gây thiếu nước, các địa phương đều "kêu ca” rồi xin hỗ trợ kinh phí từ Trung ương để nào là: Mua thùng trữ nước cho người dân, đầu tư nhà máy nước ngọt, làm công trình ngăn chỗ này, xây chỗ kia... Nhưng rồi con số thống kê các hộ dân thiếu nước sinh hoạt mùa hạn mặn năm sau vẫn cao hơn năm trước. Người dân thì “khát” nước ngọt còn nhà máy nước đầu tư hàng tỷ đồng thì đắp chiếu.
Lý giải nguyên nhân thiếu nước ngọt, chính quyền địa phương cả trước đây và hiện tại đều cho rằng, do hạn mặn phải đóng các cống sớm nên không lấy được nước; do nằm ở cuối nguồn nước; thiếu nguồn lực đầu tư đường ống dẫn nước; thiên tai, biến đổi khí hậu khắc nghiệt... Nguyên nhân mà các địa phương đưa ra nghe đều có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, tình trạng “khát” giữa đồng bằng sông nước cứ lặp đi lặp lại năm này sang năm khác thì thật sự trở thành vấn đề cần phải xem xét lại.
Thực tế, thời gian qua, nhiều giải pháp đã được các cấp chính quyền đưa ra để hạn chế những ảnh hưởng của hạn mặn. Tuy nhiên, nhìn tình cảnh hiện tại, có vẻ như thế vẫn chưa đủ. Suy cho cùng, biến đổi khí hậu, hạn hán, mặn xâm nhập là vấn đề của địa lý, chúng ta không thể thay đổi. Vì thế, để miền Tây thôi “khát” nước trong mùa khô hạn, kịch bản sống chung với hạn mặn cần đồng bộ hơn; những giải pháp cung ứng nước sạch từ bể chứa, đường ống tới các địa phương cần đầu tư hạ tầng tốt hơn...
Hạn mặn không "gây sốc" bằng những con số chết chóc như bão lụt, nhưng nó diễn ra âm thầm và nguy hại lâu dài. Chỉ có quyết tâm làm đồng bộ, thực chất mới giúp miền Tây Nam Bộ vượt qua những bất trắc của biến đổi khí hậu và câu chuyện người dân quay quắt với hạn mặn sẽ không còn lặp đi lặp lại mỗi năm.
Theo qdnd.vn