.

Cơ chế "lưỡng tính" cho báo chí

Cập nhật: 11:34, 21/06/2024 (GMT+7)

(ABO) Khi mới tiếp cận khái niệm cần có cơ chế “lưỡng tính” cho báo chí, theo như lời Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhân sự kiện 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, không ít người nghe cũng lạ. Nhưng trên thực tế đây là câu chuyện đã và đang diễn ra đối với các cơ quan báo chí và cũng là vấn đề cần được bàn thảo một cách thấu đáo hơn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cơ chế “lưỡng tính” của báo chí, có nghĩa là cơ quan báo chí vừa là một đơn vị sự nghiệp lại vừa là doanh nghiệp. Là đơn vị sự nghiệp vì thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, cung cấp dịch vụ thông tin như là dịch vụ công, bởi vậy cần được Đảng và Nhà nước đầu tư, giao nhiệm vụ, đặt hàng.

Nhưng cơ quan báo chí bây giờ phải cạnh tranh với các nền tảng số, phải thu hút được lực lượng làm báo, làm truyền thông có chất lượng trên thị trường, phải chấp nhận các cơ thế của thị trường. Vì vậy, cơ quan báo chí cũng phải hoạt động như doanh nghiệp.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cải cách có tính đột phá về cơ chế cho báo chí là chấp nhận cho các cơ quan báo chí có 2 cơ chế hoạt động song song: vừa như đơn vị sự nghiệp, vừa như doanh nghiệp. Nhưng báo chí kinh doanh là để làm báo, không vì mục tiêu lợi nhuận.

v
Phóng viên tác nghiệp tại Hội nghị Thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu trái cây được tổ chức tại Tiền Giang.

Nhìn từ thực tiễn mới thấy, thật ra, câu chuyện “lưỡng tính” này, nói ra hay không nói ra, nó cũng đã và đang tồn tại ở các cơ quan báo chí, dù ở các mức độ và diễn biến thực tiễn có khác nhau.

Kinh tế báo chí không còn là một khái niệm mới đối với từng cơ quan báo chí. Về mặt lý thuyết, hoạt động kinh tế báo chí cũng đã xuất hiện khá nhiều năm và dựa trên nhiều cơ sở pháp pháp lý. Chẳng hạn, Chỉ thị 08/CT-TW ngày 31-3-1992 của của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII nêu rõ: “Báo chí, xuất bản thực hiện hạch toán thu chi để sử dụng vốn có hiệu quả, phục vụ tốt các mục tiêu chính trị, văn hóa, tư tưởng, không ngừng nâng cao chất lượng chính trị và tính hấp dẫn đúng đắn, cố gắng có thể tự trang trải về tài chính”. Tất nhiên, hoạt động kinh tế báo chí hiện nay chịu sự chi phối chủ yếu của Luật Báo chí, Luật Quảng cáo; các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động kinh tế của các cơ quan báo chí.

Nhìn chung, từ thực tiễn, việc thực hiện kinh tế báo chí là một trong những vấn đề mang tính sống còn đối các một cơ quan báo chí, là thước đo lượng độc giả, khán thính giả quan tâm đến sản phẩm báo chí, vì các doanh nghiệp và nhà sản xuất chỉ tài trợ và quảng cáo vào những sản phẩm báo chí được nhiều người quan tâm. Về mặt tích cực, kinh tế báo chí đã góp phần quan trọng trong việc mở ra những đường hướng mới cho hoạt động của các cơ quan báo chí.

Nhưng nhìn từ thực tiễn cũng thấy rằng, nói như GS.Hà Minh Đức, gần đây, có quan niệm báo chí phải tự túc kiếm sống. Chính điều này đã sinh ra tiêu cực trong báo chí vì người ta tự kiếm sống thì mục đích lớn nhất là làm sao bán được báo thì thôi. Có nhiều tờ báo đặt mục đích kinh tế là chính, chạy theo thị hiếu tầm thường, đăng nhiều chuyện vụ án, thích các tranh ảnh khỏa thân và họ đi đặt các loại bài kiểu đó. Do vậy, các báo này thu được khá nhiều tiền và ngay cả các phóng viên ở các báo đó cũng rất giàu có (Hà Minh Đức, Báo chí những vấn đề lý luận và thực tiễn, tr. 22). Chính những tồn tại này góp phần làm “biến tướng” hoạt động của một số cơ quan báo chí.

Từ thực tiễn mới thấy, cơ chế “lưỡng tính” đối với hoạt động của các cơ quan báo chí là rất quan trọng nhưng cũng rất cần có cơ chế để kiểm soát, nói như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Báo chí kinh doanh là để làm báo, không vì mục tiêu lợi nhuận. Đây cũng là vấn đền cần được lưu tâm. Bởi ngay Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) ra Nghị quyết về công tác tư tưởng, lý luận và hoạt động báo chí cũng đã khẳng định: “Báo chí nước ta là báo chí cách mạng, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự giám sát và xây dựng của nhân dân”.

TA

.
.
.