Đặt quyền lợi trẻ em lên trên hết
Cách đây mấy hôm, trên báo chí và mạng xã hội rộ lên câu chuyện cháu bé “ngồi nhìn” các bạn liên hoan vì mẹ cháu không đóng tiền quỹ liên hoan của lớp. Các bên cãi vã, phê phán lẫn nhau tạo nên những luồng dư luận xã hội “dậy sóng”.
Tôi bỗng nhớ, những năm gần đây, năm nào cộng đồng mạng cũng “dậy sóng” như vậy nhiều lần. Cộng đồng mạng phân tích đúng sai, lên án người này, bênh vực người kia... Báo chí truyền thông vào cuộc khiến các bên liên quan phải lên tiếng, và một cụm từ quen thuộc khác lại luôn được nhắc đến: “Xử lý khủng hoảng!”.
Người lớn chưa đặt quyền lợi của trẻ lên trên hết. Việc đầu tiên họ làm không phải là giật mình đến gần hơn đứa trẻ, quan sát nó, nhìn lại cách ứng xử của mình và xã hội đối với nó, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa nhiều góc độ dẫn đến sự việc đáng tiếc xảy ra để rồi tìm cách sửa mình, đưa ra các biện pháp xử lý vấn đề tận gốc rễ, xót xa bảo vệ những đứa trẻ đang sống quanh mình... Người lớn bận đối phó lẫn nhau. Họ tìm mọi cách để “xử lý khủng hoảng”, những mong dư luận xã hội tạm “lặng sóng”, để những người liên quan được thở phào. Tiếc thay, hiếm có ai trong các tình huống đau lòng kia quay lại hỏi ý kiến những đứa trẻ, lắng nghe tâm tình của chúng, xử lý các tình huống sư phạm thông qua việc tìm hiểu diễn biến tâm lý của trẻ, từ đó đề xuất nghiên cứu vấn đề, đề xuất các biện pháp hay chính sách để điều chỉnh.
Ảnh minh họa: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. |
Những người lớn làm trong mọi ngành nghề và ở mọi vị thế: Gia đình, nhà trường, xã hội... cần hiểu sâu sắc sứ mệnh của họ đối với trẻ em. Cái gì tốt nhất cho trẻ thì chúng ta chọn làm. Cái gì mang lại lợi ích, lợi nhuận “khủng” mà không có lợi cho trẻ thì từ chối.
Thật không thể hiểu nổi có những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho trẻ em, chỉ chờ đến Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6 và bắt đầu kỳ nghỉ hè, các em học sinh sẽ nghỉ học và nhu cầu sử dụng dịch vụ tăng lên, doanh nghiệp sẽ nâng giá. Hay có đơn vị thuê địa điểm của một đơn vị khác để tổ chức hoạt động cho trẻ. Do có mâu thuẫn trong quyền lợi giữa hai doanh nghiệp, những người lớn đã quyết định cảnh cáo nhau bằng cách cắt nước, cắt điện, bất chấp quyền lợi của những đứa trẻ vẫn đang tham gia trải nghiệm tại địa điểm đó. Hoặc khi lựa chọn hoạt động cho con tham gia trong hè, nhiều phụ huynh không trao đổi với con, không lắng nghe mong muốn của con. Kết quả là, điều cha mẹ cho rằng có lợi cho con thì con lại đón nhận một cách tiêu cực.
Trong nhiều năm làm các công việc liên quan đến trẻ em, tôi luôn đặt ra cho mình nhiệm vụ: Đi tìm đồng minh ở những người xung quanh trong việc đặt quyền lợi của trẻ lên trên hết. Trước khi tổ chức trại hè, chúng tôi luôn mời phụ huynh lắng nghe mọi ý tưởng, mục tiêu của từng hoạt động, lắng nghe góp ý và sáng kiến của họ, từ đó tạo được một cảm xúc “đồng minh”. Hai bên phải hợp tác vì đứa trẻ, sẵn sàng thảo luận để tìm sự đồng thuận, cam kết thực hiện mọi việc sao cho các em có được một mùa hè thực sự bổ ích và an toàn.
Tôi bỗng nhớ đến lá thư đoạt giải Nhất quốc gia trong Cuộc thi viết thư quốc tế UPU năm 2018 của em Nguyễn Thị Bạch Dương, học sinh lớp 7 ở tỉnh Hải Dương. Em đã kêu gọi người lớn: “Dù bạn là ai, ở đâu, địa vị sang hèn thế nào, bên cạnh bạn có một đứa trẻ, hãy trở thành ông già Noel của chúng!”.
Có lẽ, thông điệp này cần được lan tỏa đến từng người lớn, không chỉ là những người trong độ tuổi làm cha mẹ. Nếu ta có ý thức bảo vệ trẻ, dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ, đặt quyền lợi của chúng lên trước quyền lợi và mọi tranh cãi sân si của mình thì hẳn xã hội ta đang sống đây sẽ an toàn và ưu việt hơn đối với từng đứa trẻ.
(Theo qdnd.vn)