Tôn trọng cá tính là thể hiện văn hóa khoan dung
Một câu trong đề thi môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vừa qua là yêu cầu thí sinh thể hiện suy nghĩ của mình về ý nghĩa của sự tôn trọng cá tính. Câu hỏi này được các chuyên gia giáo dục nhận định là sát thực tế, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh và mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Cá tính là mã gene, bản sắc độc đáo chỉ có ở mỗi người. Nói đến cá tính là nói đến tính cách riêng có của từng người, phân biệt với những người khác. Cá tính của mỗi người thể hiện ở nhiều khía cạnh, từ hình dáng, phong cách bên ngoài đến suy nghĩ, nhận thức, hành vi, niềm tin, sở trường, khát vọng của người đó.
Tôn trọng cá tính là nhìn nhận, thừa nhận, chấp nhận sự đa dạng tính cách muôn màu muôn vẻ của mọi người trong tập thể, cộng đồng; đồng thời có thái độ, hành vi đúng mực, phù hợp với từng loại cá tính nhưng không đi ngược lại với những chuẩn mực đạo đức chung của xã hội. Việc tôn trọng cá tính của nhau còn góp phần xây dựng môi trường văn hóa ứng xử nhân văn, lành mạnh, hòa hợp, khoan dung, phù hợp với tinh thần “mình vì mọi người, mọi người vì mình”.
Thí sinh tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT (Ảnh minh họa). |
Không ngẫu nhiên mà cách đây gần 3 thập niên, năm 1995, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) chính thức thông qua nghị quyết lấy ngày 16-11 hằng năm là Ngày Quốc tế Khoan dung với sự tham gia ký kết của đại diện 185 quốc gia trên thế giới. Mục tiêu của Ngày Quốc tế Khoan dung là “Tôn trọng, chấp nhận và hiểu đúng sự đa dạng, phong phú của các nền văn hóa trên thế giới, những hình thức tự biểu hiện và những khả năng thể hiện cá tính của con người”. UNESCO khuyến nghị các quốc gia công nhận một thực tế là con người khác nhau về hình dáng bên ngoài, địa vị, lời nói, cách ứng xử và các giá trị, song đều có quyền được sống trong hòa bình và duy trì cá tính của riêng mình. Đó là thông điệp sâu sắc của Ngày Quốc tế Khoan dung.
Theo khoa học tâm lý, đối với con người có tâm sinh lý bình thường, không có cá tính nào chỉ toàn ưu việt, nổi trội, hoàn hảo, hoàn mỹ, mà cũng không có cá tính nào lại toàn thấp kém, xấu xí, tiêu cực. Thái độ nhìn nhận, xem xét khách quan như vậy để mỗi chúng ta luôn ứng xử với nhau một cách văn minh, nghĩa tình, cùng góp phần vun đắp, lan tỏa những giá trị đạo đức tích cực trong cuộc sống, xã hội.
Tất nhiên, bàn tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Trong cộng đồng xã hội nói chung, trong một tập thể (lớp học, cơ quan, đơn vị...) nói riêng, không bao giờ có sự giống nhau hay đồng nhất về khí chất, cá tính, suy nghĩ, thái độ. Do vậy, trách nhiệm của người dẫn dắt, điều hành (thầy cô giáo, người lãnh đạo, quản lý) là phải giáo dục, khơi dậy, động viên, khuyến khích để ai trong tổ chức cũng có thể phát huy tốt nhất khả năng, ưu thế, sở trường của mình nhằm đóng góp, cống hiến cho tập thể, xã hội. Nói cách khác, cần phát huy tối đa những mặt tích cực cũng như phòng ngừa, hạn chế tới mức thấp nhất mặt dở của mỗi cá tính chính là một phương pháp giáo dục khoa học, hiệu quả.
Đối với mỗi người, nhất là người trẻ, ai cũng muốn thể hiện “cái tôi” của mình. “Cái tôi” chính là cá tính, bản ngã vốn có, nhưng nó chỉ có thể tỏa sáng khi thể hiện đúng lúc, đúng chỗ, đúng mực nhằm mang lại niềm tin, niềm vui cho người khác và phù hợp với lợi ích, giá trị chung của tập thể, cộng đồng, xã hội. Ngược lại, thể hiện “cái tôi” thái quá, lấy “cái tôi” để lấn át “cái ta” là vô hình trung đẩy cá tính của mình đi quá giới hạn cho phép, lợi bất cập hại.
Tôn trọng cá tính người khác không chỉ là thái độ, phong cách ứng xử, mà đó còn là kỹ năng sống của con người. Để hướng tới điều này đòi hỏi nhà trường, đội ngũ giáo viên và cha mẹ học sinh phải kiên trì, bền bỉ giáo dục, dạy bảo, chỉ dẫn, rèn luyện để con em mình có thái độ sống tích cực, hành vi ứng xử nhân văn, góp phần xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh.
(Theo qdnd.vn)