.

Công nhận chức danh GS, PGS: Ý kiến đa chiều

Cập nhật: 15:08, 26/09/2024 (GMT+7)

Hiện trên thế giới cơ bản có 2 mô hình tuyển chọn, bổ nhiệm GS, PGS: Cơ sở GD đại học tự quyết định, hoặc do hội đồng của Nhà nước phong/bổ nhiệm.

Tại Việt Nam, kể từ 15-10-2018, khi Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31-8-2018 có hiệu lực, quy định với chức danh giáo sư, phó giáo sư là phương án kết hợp. Cụ thể, Hội đồng Giáo sư Nhà nước ký quyết định công nhận và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư cho các ứng viên.

Sau đó, cơ sở giáo dục đại học quyết định xét bổ nhiệm chức danh này. Khác với quy định trước đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT căn cứ đề nghị của thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học ra quyết định bổ nhiệm hai chức danh này.

Sau hơn 5 năm triển khai, về cơ bản Quyết định số 37 (sau đó được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg) được đánh giá cao vì tạo ra khung pháp lý rõ ràng, minh bạch hơn, đưa yêu cầu cao, khắt khe, phù hợp với chuẩn mực quốc tế; trong đó có yêu cầu với ứng viên về bài báo khoa học đăng trên tạp chí uy tín quốc tế.

Việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư phải qua “bộ lọc” từ 3 cấp: Hội đồng giáo sư cơ sở, Hội đồng giáo sư ngành/liên ngành và cuối cùng Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Danh sách ứng viên với lý lịch, trình độ đào tạo, quá trình công tác, chức vụ, kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học… đều được công khai.

Mặc dù vậy, cho đến nay vẫn có những ý kiến khác nhau về việc nên tiếp tục thực hiện quy trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn, bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư theo Quyết định số 37; hay giao về cho cơ sở giáo dục đại học.

Việc này càng được quan tâm khi ĐH Quốc gia TPHCM đề xuất được thí điểm tự công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư với lý do chính là tạo cơ chế đột phá, thu hút, bồi dưỡng các nhà khoa học trẻ, đầu ngành; góp phần hiện thực hóa mục tiêu lọt tốp 100 châu Á vào năm 2030 của cơ sở này.

Ý kiến ủng hộ nên thí điểm giao quyền công nhận, bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư cho cơ sở giáo dục đại học cho rằng, việc này giúp trường đại học linh hoạt, chủ động hơn trong quản lý nhân sự, phát triển đội ngũ giảng viên trình độ cao, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; rút ngắn thời gian xét duyệt, giảm bớt gánh nặng hành chính cho ứng viên… Khi đó, chức danh giáo sư, phó giáo sư được coi như là những vị trí việc làm trong cơ sở giáo dục.

Ý kiến ở chiều ngược lại bày tỏ lo ngại việc này nếu không tính toán kỹ thời điểm phù hợp, không có cơ chế giám sát, kiểm tra chặt chẽ sẽ dẫn đến công nhận giáo sư, phó giáo sư diễn ra ồ ạt, dễ dãi, thiếu công bằng, giảm sút về chất lượng và uy tín của chức danh giáo sư và phó giáo sư…

Nhiều ý kiến thì nhận định: Hướng tới để các trường tự công nhận, bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư là tất yếu; nhưng chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta hiện nay. Lý do “chưa phù hợp” chủ yếu liên quan đến đạo đức học thuật và việc nhiều đơn vị khó bảo đảm đủ nhà khoa học bao quát hết các chuyên môn để tham gia hội đồng… Do đó, nên tiếp tục thực hiện công nhận, bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư như hiện nay; nhưng có một số điều chỉnh cho phù hợp, đặc biệt liên quan đến những quy định để bảo đảm liêm chính khoa học.

(Theo giaoducthoidai.vn)

.
.
.