.

Cần có 'cơ chế công bằng' hơn nữa với báo chí

Cập nhật: 14:53, 23/10/2024 (GMT+7)

Kinh tế báo chí ngày càng đóng vai trò quan trọng khi các cơ quan báo chí phải tự chủ về vấn đề tài chính. Bước vào thời đại kỹ thuật số, báo chí phải chịu áp lực nặng nề từ việc doanh thu sụt giảm, trong khi chi phí sản xuất, phân phối thông tin ngày càng tăng. Điều này đòi hỏi một chính sách ưu đãi về thuế phù hợp hơn trong bối cảnh mới để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Thách thức trong “nhiệm vụ kép…

Trên thực tế, nguồn thu của các cơ quan báo chí phần nhiều phụ thuộc vào quảng cáo, nhưng doanh thu quảng cáo tại các cơ quan báo chí hiện nay đang ngày càng sụt giảm mà chi phí cho sản xuất lại tăng cao. Trong khi các cơ quan báo chí vẫn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị theo quy định. Chính vì vậy, đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí đang nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các cơ quan báo chí, người làm báo cả nước.

Trao đổi về vấn đề này, nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho rằng, các cơ quan báo chí là những cơ quan sự nghiệp công chứ không phải là doanh nghiệp, nhưng hiện nay phần lớn đều phải vừa thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chủ quản giao phó và vừa phải tự chủ tài chính.

b

Những người làm báo đang làm việc miệt mài bất kể ngày, đêm, với cường độ cao, đòi hỏi sự sáng tạo lớn để hoàn thành nhiệm vụ và sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Những người làm báo đang làm việc miệt mài bất kể ngày, đêm, với cường độ cao, đòi hỏi sự sáng tạo lớn để hoàn thành nhiệm vụ và sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Trong hành trình thực hiện sứ mệnh của mình, báo chí đang gặp khá nhiều khó khăn khác nhau, về khách quan, đó là sự cạnh tranh khốc liệt của các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới, như Facebook, TikTok và YouTube, các trang truyền thông xã hội khác cũng đang thu hút số lượng bạn đọc và quảng cáo.

Còn về những sức ép chủ quan, nhà báo Phùng Công Sưởng cho rằng, hầu hết các tờ báo đều khó khăn về nguồn thu từ quảng cáo. Ông phân tích: Với báo giấy, các cơ quan báo chí có báo giấy thì hiện nay đang thua lỗ, vì thực hiện nhiệm vụ chính trị nên phải duy trì báo giấy, còn thực tế rất ít hoặc không có cơ quan báo chí có thể cân đối thu chi hay có lãi khi phát hành qua kênh thị trường…Số lượng báo bán ra không thể tăng, trong khi người lao động trong cơ quan báo chí không thể giảm được. Đó là chưa kể, sản xuất báo giấy còn có chi phí in, chi phí phát hành và nhuận bút không thể cắt giảm được khi duy trì một tờ báo.

Còn đối với báo điện tử, ông Phùng Công Sưởng nhìn nhận rằng, hiện nay hầu hết báo chí không thu phí được bạn đọc, người dùng sử dụng miễn phí, chỉ có một vài tờ báo thu phí nhưng chưa có nguồn thu thật sự từ bạn đọc. Trong điều kiện không thu phí nhưng cơ quan báo chí đó vẫn phải sản xuất lượng nội dung lớn, phải duy trì hoạt động về đường truyền, băng thông, công nghệ kiểm soát an ninh mạng, bảo mật thông tin, hệ thống dữ liệu…Tất cả vẫn phải chi trả như một doanh nghiệp mà không có ai hỗ trợ.

Và quan trọng nữa là, về cơ chế tự chủ, như báo Tiền Phong đã tự chủ từ năm 1974 và tự chủ toàn diện cách đây hàng chục năm. Như vậy, báo chí đã và đang rơi vào một nghịch lý, đó là vừa phải thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, nhiệm vụ chính trị nhưng vừa phải đảm bảo kinh phí để duy trì những ấn phẩm mà không có hiệu quả.

Ở góc độ của một cơ quan báo chí uy tín, nỗ lực thực hiện “nhiệm vụ kép”, Tổng biên tập báo Tiền Phong nhấn mạnh: “Ở góc độ vai trò và vị thế, báo chí và doanh nghiệp đều là lực lượng quan trọng nhưng trong cơ chế hoạt động thì lại có những khác biệt căn bản nên không thể “đánh đồng” khi áp dụng thuế suất. Doanh nghiệp có thể kinh doanh tất cả các lĩnh vực mà luật pháp không cấm, báo chí hoạt động vừa như một doanh nghiệp tự chủ, phải đóng thuế nhưng lại chỉ được hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích đã quy định nên gần như bị “bó chân, bó tay”, rất khó phát triển được như một doanh nghiệp”.

Tất nhiên, Tổng biên tập báo Tiền Phong cũng cho biết, trong khó khăn đó, Đảng và Nhà nước đã có chính sách để hỗ trợ báo chí bằng việc ban hành các quy định về truyền thông chính sách, tuy nhiên để cơ quan báo chí tham gia vào thị trường truyền thông chính sách cũng không nhiều, chỉ nhỏ giọt, không đáng kể gì so với khoản chi phí mà các cơ quan báo chí bỏ ra.

 “Báo chí hiện nay đang rất khó khăn, tờ báo nào may mắn thì có lãi chút, còn cơ bản là hòa và lỗ, “giật gấu vá vai” không có nguồn thu dài hạn để đầu tư phát triển cũng như để tích lũy. Chúng tôi phải xoay sở nhiều cách để tạo nguồn thu nhưng nói thật là vẫn rơi vào hoàn cảnh làm đồng nào tiêu hết đồng đó và thật buồn khi phải nói, đây là tình trạng chung. Nếu thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí dù có ưu đãi giảm đến 0% trong vòng 1, 2 năm thì tôi nghĩ cũng chỉ mang tính biểu tượng thôi vì bản chất báo chí có thu nhập đâu để đánh thuế nữa. Nhưng việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với báo chí chắc chắn sẽ sự là động viên quý báu với những người làm báo đang làm việc miệt mài bất kể ngày, đêm, với cường độ cao, đòi hỏi sự sáng tạo lớn. Bởi vậy, tôi đề xuất rằng, không chỉ giảm ở mức thuế 10% cho tất cả các loại hình báo chí mà mong là Đảng, Nhà nước sẽ có lộ trình miễn thuế cho báo chí. Điều này sẽ thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động báo chí và cũng để báo chí yên tâm thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực hiện sứ mệnh là cơ quan tuyên truyền, phổ biến pháp luật, là công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước và Nhân dân…” – nhà báo Phùng Công Sưởng trăn trở và đề xuất.

Không nên “đánh đồng” doanh nghiệp với cơ quan báo chí

Đồng quan điểm về vấn đề cần có “cơ chế công bằng” hơn với báo chí, nhà báo Lê Văn Tòa - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng cho rằng, các cơ quan báo chí dù loại hình nào, phát thanh hay truyền hình, báo in hay điện tử tất cả đều mang tính đặc thù, đó là cơ quan sự nghiệp có thu chứ không hẳn là doanh nghiệp. Doanh nghiệp chủ yếu là kinh doanh lấy lời. Còn các cơ quan báo chí có nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nếu áp dụng mức thuế tương đương với doanh nghiệp thì không hợp lý, không công bằng.

“Chúng ta không đánh đồng doanh nghiệp với cơ quan báo chí. Báo chí làm nhiệm vụ đặc thù chứ không phải doanh nghiệp, lãnh đạo báo chí không phải doanh nhân. Vì vậy, việc áp dụng thuế cũng phải tính đến yếu tố đặc thù, tôi mong muốn cơ quan quản lý nhà nước về thuế tiếp tục nghiên cứu giảm sâu thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế VAT sao cho phù hợp với hoạt động báo chí, có như vậy báo chí mới “có sức” nâng cao được chất lượng và cạnh tranh được với các nền tảng mạng xã hội hiện nay”, nhà báo Lê Văn Tòa chia sẻ.

Thực tế cho thấy, hiện nay các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Youtube, Facebook đã và đang tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt khiến cho doanh thu của các cơ quan báo chí tiếp tục có xu hướng giảm mạnh. Để giành giật “miếng bánh” kinh tế, nhiều cơ quan báo chí buộc phải cơ cấu một phần nguồn thu đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đội ngũ nhân sự, quy hoạch lại nội dung. Nhiều cơ quan báo chí mạnh dạn thực hiện đa dạng hóa nguồn thu, bao gồm: quảng cáo truyền thống; thực hiện thu phí; hợp tác truyền thông; tổ chức sự kiện; thương mại điện tử; cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin; tổ chức nghiên cứu...Tuy vậy, doanh thu của báo chí vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể. Trước thực tế đó, cho rằng, việc áp dụng thuế trong nhiều năm nay đối với báo chí vẫn ở mức tương đối cao, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính nhận định: “Các mức thuế áp dụng trước khi được ban hành, cơ quan quản lý nhà nước cần có thời gian nghiên cứu. Để khi ban hành sẽ là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và cơ quan báo chí có thể áp dụng và thực hiện được. Khi mức thuế ở mức hợp lý nhất thì ngành thuế cũng thu được nguồn thuế mà cơ quan báo chí cũng dễ dàng thực hiện được. Lĩnh vực báo chí là lĩnh vực tương đối đặc biệt, cung cấp dịch vụ đặc biệt vì thế cần có nghiên cứu một cách đầy đủ từ đó áp dụng mức thuế phù hợp”.

Như vậy, cùng với những khó khăn trên thực tế, đặc biệt là, Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ chính thức được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 này thì việc đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí ở mức là cấp thiết. Lần này, chúng ta sửa Luật Thuế thu nhập Doanh nghiệp cũng chính là cơ hội để sửa đổi các quy định về thuế đối với các cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí mong muốn được quan tâm và xem xét để có chính sách thuế phù hợp cho báo chí tăng sức cạnh tranh và phát triển, tiếp tục phụng sự tốt hơn nữa trong hành trình chạm mốc 100 năm.

Theo Nhà Báo&Công Luận

 

.
.
.