Thủ tướng: Cần sớm thông báo những điểm đổi mới của Kỳ thi 2016
Sáng 5-11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã chủ trì phiên họp Ủy ban và Hội đồng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: Đức Tám/TTXVN |
Phiên họp nhằm cho ý kiến về tình hình triển khai, kết quả đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; về hệ thống giáo dục quốc dân; các hoạt động về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; về công tác tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015; về khung trình độ quốc gia.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực cùng dự.
Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai, quán triệt Nghị quyết, Chương trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch hành động của ngành.
Đối với việc đổi mới chương trình giáo dục của các cấp học và chương trình đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành việc rà soát, đánh giá chương trình giáo dục mầm non hiện hành tạo cơ sở đề xuất chỉnh sửa chương trình; chuẩn bị các điều kiện để tổ chức chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực người học; triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông đối với các khóa học sinh đang học chương trình hiện hành.
Bộ mở rộng việc áp dụng mô hình giáo dục mới theo hướng phát triển năng lực và hình thành phẩm chất người học theo tinh thần Nghị quyết 29; thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân theo định hướng chuyển từ dạy và học ngôn ngữ sang dạy và học toàn diện kỹ năng giao tiếp. Công tác xây dựng xã hội học tập được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Chương trình đào tạo được đổi mới thông qua việc ban hành 39 chương trình khung đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật về tuyển sinh đào tạo theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng quyền tự chủ cho các trường.
Bộ chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo đổi mới công tác xây dựng chương trình đào tạo, trong đó có sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà sử dụng lao động; thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác bảo đảm chất lượng trong nhà trường; triển khai rà soát lại hệ thống quy chế đào tạo...
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh; đổi mới công tác quản lý giáo dục và đào tạo; phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới cơ chế tài chính, tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo.
Đối với việc triển khai các hoạt động thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng, triển hai thực hiện Kế hoạch tổng thể thực hiện; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tạo sự đồng thuận, phát huy hiệu quả sự tham gia đóng góp của toàn xã hội; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng chương trình giáo dục phổ thông và biên soạn sách giáo khoa mới.
Bộ đã hoàn thành dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, đăng tải công khai để xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân; tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các biện pháp thực hiện đổi mới giáo dục ở nhà trường phổ thông hiện nay nhằm phục vụ cho việc xây dựng, biên soạn và triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; chuẩn bị điều kiện để triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới.
Trong năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của ngành triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân hiện hành theo hướng linh hoạt, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo và giữa các hình thức giáo dục, đào tạo.
Bộ hoàn chỉnh phân cấp quản lý Nhà nước về giáo dục; xây dựng các chương trình môn học; tiếp tục ban hành, hoàn thiện hệ thống văn bản quy định về tiêu chuẩn, chức danh, vị trí việc làm viên chức giáo dục; tập trung, ưu tiên các nguồn lực để hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng giáo dục đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học, chỉ đạo đổi mới đánh giá học sinh tiểu học...
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân; dự thảo các môn học; biên soạn các tài liệu hướng dẫn dạy các môn học theo chương trình mới. Bộ khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông do Bộ ban hành.
Bộ tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa; biên soạn sách giáo khoa song ngữ (tiếng Việt - tiếng một số dân tộc ít người đã có chữ viết đối với một số môn học ở cấp tiểu học); biên soạn và thực nghiệm sách giáo khoa điện tử.
Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương (theo thời lượng quy định tại chương trình giáo dục phổ thông và các chương trình môn học). Các tài liệu này phải được thẩm định tại Hội đồng thẩm định cấp tỉnh và được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Liên quan đến việc xây dựng hệ thống giáo dục quốc dân mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất hệ thống giáo dục cần được thiết kế theo hướng đơn giản hóa các luồng di chuyển của người học trong hệ thống, tạo điều kiện cho người học có thể dễ dàng tham gia học tập trong suốt cuộc đời; đảm bảo tính tương thích với các hệ phân loại giáo dục chung của quốc tế, bảo đảm tính so sánh được của các trình độ, các loại văn bằng.
Hệ thống đào tạo cần tập trung thành hai luồng chính: luồng hàn lâm (các chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu) và luồng nghề nghiệp - ứng dụng (nối các chương trình đào tạo kỹ năng mang tính thực hành ở bậc thấp với các chương trình đào tạo mang tính chuyên môn nghiệp vụ/chuyên nghiệp ở trình độ cao).
Hệ thống giáo dục quốc dân với các cơ sở giáo dục như hiện nay sẽ cung cấp đồng thời các cơ hội học tập ban đầu và các cơ hội giáo dục tiếp tục cho tất cả mọi nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng. Điều này góp phần giải quyết vấn đề phân biệt đối xử với các loại văn bằng chứng chỉ của hệ thống giáo dục.
Việc tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016 sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông năm 2015; rà soát,điều chỉnh, bổ sung ban hành kịp thời quy chế thi, các văn bản chỉ đạo và tuyển sinh; hoàn thiện, nâng cấp hệ thống phần mềm quản lý thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh.
Ngoài ra, Bộ sẽ làm tốt công tác truyền thông để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, kịp thời chủ trương chính sách của Bộ về Kỳ thi tới thí sinh, phụ huynh và xã hội; đẩy mạnh phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức xã hội vận động cả xã hội cùng chung tay, góp sức để tổ chức thật tốt Kỳ thi.
Hoàn thiện, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo
Tại cuộc họp, nhiều đại biểu đồng tình với việc đổi mới hệ thống giáo dục quốc dân và việc xây dựng khung trình độ quốc gia, bởi đây là vấn đề quan trọng, tạo nền tảng căn bản để đổi mới giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần được chú trọng, nhằm tạo ra đội ngũ nhân lực có kỹ thuật lành nghề, có trình độ chuyên môn tốt, giảm thiểu tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Phiên họp của Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo và Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực là nhằm huy động sự đóng góp, tư vấn của các nhà quản lý, nhà khoa học để đưa ra quyết định đúng đắn đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của đất nước, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với tình hình thực tế và hội nhập quốc tế.
Thủ tướng nêu rõ: Việc triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã được Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tích cực thực hiện thông qua việc Ban hành Chương trình hành động, xây dựng Luật trình Quốc hội, Nghị định, Thông tư hướng dẫn với tinh thần nghiêm túc, cầu thị.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hệ thống giáo dục quốc dân và khung trình độ quốc gia có sự gắn kết, không thể tách rời. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Hiệp hội các trường Đại học cao đẳng Việt Nam, Hiệp hội Dạy nghề và nghề công tác xã hội Việt Nam nghiên cứu kỹ, tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia trong nước, quốc tế để chỉnh sửa, hoàn thiện theo hướng phù hợp với tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW và xu thế tiến bộ của thế giới, sau đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp. Ảnh: Đức Tám/TTXVN |
Đây là vấn đề hết sức căn cơ, điều cơ bản nhất để hoàn thiện, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của nước ta trong thời gian tới. Giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của toàn dân, làm tốt vấn đề này sẽ tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Xung quanh việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành cần tiếp tục làm quyết liệt; cố gắng hoàn thiện Đề án và kế hoạch đã đề ra để có sách giáo khoa và chương trình phù hợp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đánh giá sơ bộ và báo cáo lên Chính phủ, Trung ương về công tác tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 với tinh thần cầu thị, nghiêm túc, nhìn nhận những điểm thuận lợi, hạn chế trong việc tổ chức Kỳ thi.
Qua thực tiễn và kinh nghiệm của việc tổ chức Kỳ thi năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần trình kế hoạch thực hiện, sớm thông báo những điểm đổi mới của Kỳ thi 2016 để người dân được biết. Việc tổ chức Kỳ thi năm 2016 cần rút kinh nghiệm, phát huy những điểm tốt, khắc phục hạn chế, theo mục tiêu đã đề ra là đánh giá đúng trình độ của học sinh; giảm áp lực, giảm thời gian, tạo thuận lợi cho thí sinh và gia đình; phát huy quyền tự chủ của các trường đại học.../.
(Theo TTXVN)