Người thầy trong thời hội nhập
Nhân dịp kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2016), Báo Ấp Bắc nhận được nhiều chia sẻ về vai trò của người thầy trong thời kỳ hội nhập.
* NHÀ GIÁO ƯU TÚ NGUYỄN HỒNG OANH (Giám đốc Sở GD-ĐT):
Người thầy cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm
Khoa học công nghệ ngày càng phát triển, các phương tiện kỹ thuật phục vụ việc dạy học ngày càng nhiều..., nhưng chỉ có tác dụng hỗ trợ việc dạy học của giáo viên, chứ hoàn toàn không thể thay thế vai trò của họ. Vì người thầy không chỉ dạy tri thức, kỹ năng, mà còn bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất đạo đức, lối sống tốt đẹp. Đặc biệt là, thầy giáo, cô giáo phải giáo dục nhân cách học sinh bằng chính nhân cách của mình, đòi hỏi mỗi thầy giáo, cô giáo phải hiểu, thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ về giáo dục để không ngừng rèn luyện, hoàn thiện mình.
Đạo đức của nhà giáo có ảnh hưởng to lớn đến việc hình thành nhân cách, đạo đức của người học. Bởi vậy, việc nâng cao phẩm chất đạo đức của nhà giáo là vấn đề vô cùng quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, các thầy giáo, cô giáo cần tiếp tục thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành, để mỗi người thầy không những là nhà sư phạm, mà còn là nhà mô phạm; say mê, bền bỉ, cần cù, nghiêm túc và sáng tạo trong lao động sư phạm; thương yêu, gần gũi học sinh và đoàn kết với đồng nghiệp, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo…
Các thầy giáo, cô giáo cần thường xuyên tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và tác phong công tác. Khi lên lớp, các thầy giáo, cô giáo là người gợi mở, hướng dẫn, kích thích sự tìm tòi học hỏi của học sinh, ngăn ngừa sự ỷ lại vào thầy giáo, cô giáo của các em. Các thầy giáo, cô giáo phải lấy lòng nhân ái mà cảm hóa học sinh, lấy sự uyên thâm mà thu hút sự ham học của học sinh. Việc đánh giá, cho điểm cũng phải công bằng, khách quan, không vị nể, thiên vị…
* NHÀ GIÁO ƯU TÚ LÊ THỊ LANG (giáo viên Trường THPT Chuyên Tiền Giang, đã nghỉ hưu):
Người thầy phải luôn giữ cái tâm trong sáng
“Tuy đã rời bục giảng hơn 15 năm, nhưng đối với tôi, 20-11 luôn là ngày đặc biệt quan trọng, với nhiều cảm xúc bồi hồi về nghề mà mình đã chọn.
Lao động nghề giáo không phải là lao động giản đơn. Vì thế, người thầy phải luôn cố gắng trau dồi đạo đức, kiến thức, kỹ năng để đáp ứng sự phát triển của xã hội. Đặc biệt, thầy giáo, cô giáo luôn phải giữ cái tâm trong sáng, tận tụy, tâm huyết với nghề và phải biết “giữ mình” để luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.
Trong thời kỳ hội nhập đặt người thầy trước nhiều thách thức. Vì thế, người thầy càng phải cố gắng hơn nữa để không bị tụt hậu, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của học sinh...”.
* HUỲNH KIM NHẬT (sinh viên năm thứ 3, Khoa Sư phạm, Trường Đại học Tiền Giang):
Tri ân thầy cô
Ngày 20-11 đối với em rất có ý nghĩa. Bởi vì, ba mẹ cho mình hình hài, thầy cô cho mình tri thức. Vì lẽ đó, mỗi năm đến ngày 20-11 là em rất háo hức và phấn khởi, vì được bày tỏ tình cảm, lòng tri ân thầy cô qua những vật lưu niệm “hanmade” do tự tay em làm, hoặc qua những tấm thiệp, qua điện thoại, gửi email hoặc thông qua mạng xã hội để bày tỏ tình cảm của mình bằng cả tấm lòng thành kính.
* HUỲNH NGỌC VĂN (Lớp 10 Toán, Trường THPT Chuyên Tiền Giang):
Thầy cô luôn là tấm gương sáng
Mỗi năm, đến ngày 20-11 em cảm thấy rất vui. Bởi đây là dịp để chúng em tri ân thầy cô, vì những khi khác rất khó giải bày, dẫu biết rằng cách đền đáp công ơn thầy cô thiết thực nhất chính là kết quả học tập của mỗi học sinh.
Đối với em, thầy cô luôn là tấm gương sáng để em noi theo. Em mong muốn thầy cô sẽ luôn tận tâm, thương yêu, gần gũi học sinh để chúng em có thể chia sẻ với thầy cô những khó khăn trong học tập, trong cuộc sống… để trưởng thành.
M.CHÂU - P. MAI