Tiền Giang đã sẵn sàng cho Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 sắp diễn ra. Công tác chuẩn bị cho kỳ thi trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn tất. Về vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 của tỉnh.
* PV: Xin ông cho biết một số điểm mới trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay?
* Ông Trần Thanh Đức: Thứ nhất, so với các năm trước, kỳ thi năm nay có 1 cụm thi duy nhất do Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Tiền Giang và Trường Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức thực hiện. Thứ hai, các thí sinh (TS) sẽ dự thi tại các huyện, thị xã và thành phố, chứ không tập trung tại 1 cụm thi như những năm trước, giúp các em không phải đi xa, giảm áp lực và tốn kém. Thứ ba, về thời gian thi, sẽ rút ngắn lại còn 2,5 ngày (trước đây 4 ngày). Thứ tư, hầu hết các môn thi năm nay được chuyển sang hình thức trắc nghiệm, chỉ có môn Ngữ văn thi hình thức tự luận. Thứ năm, hình thức xét tốt nghiệp năm nay cũng có nhiều thay đổi, đó là trung bình cộng của năm lớp 12 và điểm trung bình của các bài thi. Kỳ thi THPT Quốc gia lần này cũng là cơ sở để xét tuyển TS vào các trường đại học, cao đẳng. Các TS sẽ không bị giới hạn nguyện vọng xét tuyển so với các năm trước. Năm nay, toàn tỉnh có gần 12.000 em dự thi để xét tuyển sinh với hơn 42.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Sau khi có kết quả thi, Bộ GD-ĐT sẽ cho phép các em điều chỉnh lại nguyện vọng theo mức điểm của mình, để các em có thể cân nhắc trong việc nộp hồ sơ xét tuyển.
* PV: Tính đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho kỳ thi năm nay được triển khai ra sao?
* Ông Trần Thanh Đức: Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, toàn tỉnh có hơn 13.000 TS dự thi, trong đó 1.128 TS dự thi để xét tốt nghiệp, 11.410 TS dự thi vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển sinh, số TS dự thi tự do là 500 em. Trên địa bàn tỉnh bố trí 25 điểm thi với 553 phòng thi ở 10 huyện, thành phố và thị xã. Vừa qua, UBND tỉnh đã họp Ban Chỉ đạo kỳ thi để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo. Chúng tôi đã lên phương án dự kiến các kế hoạch dự phòng để kịp thời chủ động ứng phó khi cần thiết. Về công tác tổ chức, Ban Chỉ đạo tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở GD-ĐT có kế hoạch phối hợp với Trường Đại học Tiền Giang và Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong việc phân bố cán bộ coi thi, giám sát, thanh tra kỳ thi.
Về công tác chuyên môn, Sở GD-ĐT đã chủ động cập nhật đầy đủ, chính xác các quy định, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT có liên quan đến kỳ thi. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT cũng đã khẩn trương phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn, bố trí các địa điểm thi trên địa bàn, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện về giao thông, bố trí nơi ăn nghỉ cho cán bộ coi thi, vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác bảo vệ an ninh trật tự, điện, nước… nhằm phục vụ tốt nhất các điều kiện cho kỳ thi.
Ngành Công an tham gia bảo vệ an ninh trật tự, giao thông, giám sát toàn bộ quá trình sao in đề thi cũng như quá trình thu gom bài thi, bảo vệ và giám sát quá trình chấm thi. Trong kỳ thi năm nay, các bài thi sẽ được thu về Hội đồng chấm thi mỗi ngày. Công tác bảo mật được thực hiện đúng quy chế của Bộ GD-ĐT. Mỗi phòng thi có 24 TS, mỗi TS sẽ có đề thi riêng nhằm hạn chế việc xem bài lẫn nhau giữa các TS.
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành: Sở Y tế, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Tài chính, Điện lực, Đoàn Thanh niên… tích cực hỗ trợ mọi điều kiện, lên các phương án dự phòng, giúp kỳ thi diễn ra thuận lợi, an toàn, nghiêm túc, khách quan, đúng quy chế. Trước khi kỳ thi diễn ra, Ban Chỉ đạo kỳ thi sẽ đi giám sát cơ sở vật chất cũng như các điều kiện khác như phòng thi, nhân lực.. tại các Hội đồng thi.
Sở GD-ĐT cũng đã chỉ đạo các trường có TS dự thi lên kế hoạch trong việc đưa đón học sinh ra các điểm dự thi. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn cũng đã chỉ đạo các Huyện đoàn (tương đương) tổ chức các hoạt động thanh niên tình nguyện, hỗ trợ các điều kiện về ăn, ở, tổ chức bữa cơm trưa cho TS dự thi.
Có thể khẳng định rằng, cho đến thời điểm này, công tác tổ chức, chuẩn bị cho Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 trên địa bàn tỉnh tương đối chu đáo, tất cả vì quyền lợi của TS. Hy vọng rằng, kỳ thi THPT Quốc gia năm nay trên địa bàn tỉnh sẽ diễn ra thuận lợi, an toàn và đúng quy chế.
* PV: Đối với các huyện ở xa như Tân Phú Đông, Ban Chỉ đạo kỳ thi tạo điều kiện thuận lợi cho TS ra sao, thưa ông?
* Ông Trần Thanh Đức: Năm nay, huyện Tân Phú Đông có 240 TS dự thi, với 10 phòng thi, chủ yếu tập trung ở 2 điểm thi là Trường THPT Phú Thạnh và Trường THPT Tân Thới. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo, nên công tác tổ chức thi ở huyện không gặp khó khăn. Ban Chỉ đạo kỳ thi luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các TS. Chúng tôi đã lên từng phương án cụ thể, dự phòng tất cả mọi tình huống để kịp thời ứng phó với các sự cố có thể xảy ra trong quá trình thi. Đối với các TS có hoàn cảnh khó khăn, đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tạo điều kiện hỗ trợ cho các em về ăn uống, đi lại, địa điểm nghỉ ngơi. Tăng cường công tác vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ các TS là con em các gia đình chính sách, hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa có điều kiện tham gia kỳ thi, không để TS nào phải bỏ thi vì các điều kiện đi lại, kinh tế gia đình khó khăn.
* PV: Ông có lời khuyên gì dành cho TS trước khi bước vào kỳ thi quan trọng?
* Ông Trần Thanh Đức: Bên cạnh việc tập trung ôn tập, các em cũng cần lưu ý đến chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý và điều độ. Ở giai đoạn nước rút hiện nay, các em cũng cần lưu ý đến phương pháp ôn tập, cần biết mình yếu gì, thiếu gì vào lúc này để kịp thời bổ sung, củng cố lại kiến thức...
* PV: Xin cảm ơn ông!
ĐỖ PHI (thực hiện)