Thứ Hai, 30/10/2017, 21:16 (GMT+7)
.

Chất lượng giáo dục là lẽ sống còn của mỗi nhà trường

Tạo ra chất lượng giáo dục phải là việc làm của cả hệ thống. Nhưng người trực tiếp làm ra chất lượng giáo dục, chính là các cơ sở giáo dục đào tạo. Chất lượng giáo dục là lẽ sống còn của mỗi nhà trường, không có chất lượng thì cơ sở giáo dục đào tạo đó không có lý do tồn tại.

Đó là ý kiến của TS. Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội).
Không có chất lượng, không thể tồn tại

Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” trước hết phải là nền giáo dục có chất lượng. Hình thức quản lý theo mục tiêu chất lượng mới là hình thức quản lý phù hợp với mục tiêu quản lý lâu dài của ngành, đồng thời cũng phù hợp sự phát triển khoa học quản lý thời cơ chế thị trường.

aaaaaaaaaaaaa
TS. Nguyễn Tùng Lâm. Ảnh: VGP/Phương Liên

Chỉ có chất lượng mới khiến các cơ sở giáo dục đào tạo mới thu hút học sinh, mới đảm bảo nhịp độ phát triển bền vững, chống được những cách làm chỉ chạy theo số lượng, tùy tiện, hạ thấp yêu cầu giáo dục toàn diện như một số cơ sở giáo dục đào tạo lâu nay vẫn đang làm.

Chính vì chất lượng giáo dục quan trọng như vậy nên theo TS. Nguyễn Tùng Lâm các nhà trường phổ thông hiện nay cần phải nắm rõ “Thế nào là một cơ sở giáo dục phổ thông có chất lượng giáo dục? Để có chất lượng giáo dục các cơ sở giáo dục phải xây dựng, làm tốt những yếu tố cơ bản nào? Và làm thế nào để làm tốt được những yếu tố đó? Nếu các nhà trường phổ thông của Việt Nam không nhất quán quản lý chất lượng giáo dục của mỗi nhà trường theo tiêu chuẩn và phương pháp quản lý quốc tế, chỉ quản lý theo chỉ tiêu thi đua như hiện nay, không bao giờ chúng ta có chất lượng giáo dục tương đối đồng đều giữa các vùng miền, khu vực và khó có thể hội nhập các nước”.

TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, để quản lý chất lượng giáo dục theo chuẩn quốc tế phải đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý có đủ kỹ năng quản lý theo đúng chuẩn mực quốc tế một cách chuyên nghiệp. Đồng thời việc kiểm định chất lượng giáo dục phải được tiến hành đều đặn theo đúng chu kỳ 3 năm/lần bởi một tổ chức kiểm định độc lập, có chuyên môn cao, chịu trách nhiệm xã hội về công tác kiểm định. Hiện nay chúng ta dùng các cơ quan quản lý giáo dục địa phương kiêm nhiệm việc kiểm định chất lượng là không khách quan…

Mặt khác, trong quá trình đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục, không chỉ đánh giá chất lượng đào tạo, mỗi nhà trường trong quá trình tiến hành giáo dục, mà chất lượng giáo dục phổ thông chúng ta hướng tới là chất lượng người học đã thay đổi, đã phát triển về năng lực và phẩm chất đáp ứng yêu cầu mục tiêu của từng cấp học như thế nào? Hiện nay chúng ta mới thông qua các kỳ thi để đánh giá kết quả học sinh nắm được kiến thức phổ thông đến đâu, còn mục tiêu đánh giá sự phát triển về phẩm chất năng lực lại chưa có cách nào đánh giá được. TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2018 phải giải quyết vấn đề này không để tình trạng xếp loại đạo đức học sinh chỉ bằng mấy bậc: Tốt, khá, trung bình, yếu kém, còn lạc hậu như hiện nay.

Nếu coi các nhà trường phổ thông phải đạt được mục tiêu từng cấp học là quan trọng thì phải đề cao phương pháp quản lý chất lượng theo chuẩn mực quốc tế là yêu cầu bắt buộc của mỗi nhà trường ở tất cả các vùng miền, tuyệt đối không được nhân nhượng, hạ thấp yêu cầu. Mặt khác giáo dục phổ thông không chỉ đáp ứng yêu cầu chất lượng mà còn phải đáp ứng yêu cầu giáo dục chất lượng cao của người dân.
Giáo dục phổ thông chất lượng cao

Trong nền kinh tế thị trường, chúng ta không chỉ đảm bảo chất lượng giáo dục ở mỗi nhà trường mà còn phải đáp ứng nhu cầu của người dân muốn con em mình được hưởng một nền giáo dục chất lượng cao, tiến kịp với yêu cầu các nước tiên tiến. Trong điều kiện kinh tế có hạn, giáo dục Việt Nam mới chỉ đáp ứng chất lượng đại trà đã khó nhưng trong nền kinh tế thị trường, những gia đình có thu nhập cao mong muốn con em họ được hưởng một điều kiện giáo dục cao hơn và họ sẵn sàng đáp ứng bù đắp thêm kinh phí mà nhà nước không thể đáp ứng.

Vậy giáo dục phổ thông chất lượng cao nên phải quan niệm như thế nào cho đúng, cho phù hợp sự phát triển giáo dục hiện nay. Giáo dục phổ thông chất lượng cao là muốn nói đến một kết quả giáo dục và điều kiện để tạo ra chất lượng như chương trình giáo dục, đội ngũ giáo viên, các phương pháp giáo dục, cơ sở vật chất nhà trường phải cao hơn nhiều so với chuẩn chất lượng giáo dục bình thường được xác định, được quan niệm phổ biến trong các nhà trường hiện nay.
Một cách hiểu khác, giáo dục chất lượng cao là nhằm đáp ứng nhu cầu cao của cha mẹ học sinh khi họ gửi con vào trường tiêu chuẩn chất lượng cao để chuẩn bị cho con, sẵn sàng đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao quốc gia và hội nhập quốc tế.

Song TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh giáo dục chất lượng cao là mỗi nhà trường phổ thông không chỉ đáp ứng những cam kết của nhà trường với cha mẹ học sinh để thỏa mãn nhu cầu của người dân khi gửi con đến trường, mà chủ yếu hiệu quả giáo dục phải đến từng học sinh, đáp ứng nhu cầu phát triển của từng học sinh. Nhà trường phải chỉ rõ những phẩm chất, năng lực của học sinh được rèn luyện và có sự tiến bộ từng học kỳ như thế nào.

Chất lượng cao ở đây cũng chính là thái độ ứng xử, sự thân thiện, quan tâm, tận tâm của cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên nhà trường với học sinh. Họ luôn là những người thành công trong sự nghiệp giáo dục vì họ luôn là người “Tự tin, thân thiện, thẳng thắn, thấu hiểu” với mọi học sinh.

Như vậy, muốn thực hiện chất lượng cao trong các nhà trường phổ thông đạt chất lượng hiện nay, TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh các nhà trường phổ thông cũng như cha mẹ học sinh phải coi đây là dịch vụ giáo dục chất lượng cao là sự cam kết giữa phụ huynh và cán bộ quản lý, giáo viên mỗi nhà trường. Kinh phí của nhà nước đầu tư cho giáo dục mỗi nhà trường chỉ đủ để đảm bảo chất lượng ở mức đại trà, còn chất lượng cao thì cha mẹ học sinh phải cùng tham gia với nhà trường đóng góp thêm một khoản kinh phí để các nhà trường có thể huy động nguồn lực, chuẩn bị thêm chương trình, điều kiện cơ sở vật chất, huấn luyện giáo viên... Tóm lại phải có đủ kinh phí để có những chương trình giáo dục, đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, và các dịch vụ khác trong nhà trường phải đủ điều kiện giúp học sinh đạt chất lượng giáo dục ở mức cao.

Thực hiện chương trình giáo dục chất lượng cao ở mỗi nhà trường phổ thông là cách làm giáo dục theo cơ chế thị trường, và không phải trường phổ thông nào cũng làm được. Chỉ những trường có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tâm huyết tài năng và dám chịu trách nhiệm, dám vượt khó sáng tạo mới có thể tạo ra những nhà trường “giáo dục chất lượng cao” có thể hội nhập quốc tế. Một số trường tư thục được đầu tư ở các thành phố lớn đã và đang đáp ứng yêu cầu chất lượng cao này.

Để giáo dục phát triển theo đúng kinh tế thị trường, TS. Nguyễn Tùng Lâm kiến nghị cần đổi mới mô hình giáo dục của các trường chuyên thành các trung tâm chất lượng cao của các tỉnh, thành phố, cấp học bổng cho những học sinh giỏi con các gia đình khó khăn về kinh tế còn lại thu học phí cao để chúng ta có thể mỗi tỉnh thành đều có một trung tâm đào tạo chất lượng cao ngang tầm các nước tiên tiến.

Đây là trung tâm đào tạo những thầy cô giáo giỏi thành những chuyên gia giáo dục ngang tầm quốc tế. Nên trao cho các trường chuyên hiện nay một sứ mệnh mới, một cách làm mới. Đây là cách chúng ta làm giáo dục theo đúng quy luật kinh tế thị trường.

Theo chinhphu.vn

 

.
.
.