Thứ Bảy, 28/10/2017, 22:59 (GMT+7)
.
TRƯỜNG TIỂU HỌC TÂN HÒA ĐÔNG:

Hiệu quả từ mô hình dạy học trải nghiệm thực tế

Học sinh hào hứng học tập, gắn kết với nhau hơn... khi được tham gia các tiết học trải nghiệm thực tế từ mô hình “Trồng rau thủy canh” tại Trường Tiểu học Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước.

Giáo viên và học sinh chăm sóc vườn trường.
Giáo viên và học sinh chăm sóc vườn trường.

Ghé thăm Trường Tiểu học Tân Hòa Đông vào những ngày cuối tuần, chúng tôi bắt gặp hình ảnh nhộn nhịp của các em học sinh đang chuẩn bị thu hoạch sản phẩm từ vườn trường. Chưa đầy 15 phút, nhóm học sinh ở cuối vườn trường vang lên: “Lớp 52 đã thu hoạch xong rồi thầy ơi!”. Một học sinh cầm thau giá đỗ nặng khoảng 3 kg hồ hởi chạy tới khoe với thầy thành quả lao động của lớp mình. Em Nguyễn Thị Mỹ Dung, lớp 52, vui mừng chia sẻ: “Tuần này lớp em thu hoạch được trên 3 kg giá, nhiều hơn tuần trước rất nhiều. Bạn nào trong lớp em cũng vui mừng về thành quả lao động do chính tay mình làm ra...”.  Điều mà chúng tôi ấn tượng là các vật dụng trong vườn trường được các em học sinh sắp xếp ngăn nắp, phân chia theo từng đơn vị lớp quản lý, chăm sóc cụ thể. ..

Hiệu trưởng nhà trường Trịnh Khắc Tuấn cho biết: “Năm học 2014 - 2015, thực hiện yêu cầu đổi mới giáo dục, nhất là áp dụng việc dạy kỹ năng sống vào các môn học, tôi và nhiều giáo viên của trường đã mạnh dạn triển khai mô hình “Trồng rau thủy canh” ở vườn trường cho học sinh. Lúc mới triển khai thực hiện, nhà trường gặp không ít khó khăn như: Số lượng cây trồng ít, ảnh hưởng xâm nhập mặn, học sinh chưa thích thú tham gia..., nhưng chúng tôi quyết không từ nan. Được sự quan tâm của chính quyền sở tại, nhà trường đã tiến hành xây dựng khu vườn trường khang trang để thực hiện trồng rau thủy canh, đẩy mạnh những tiết học trải nghiệm thực tế cho học sinh ngay ở chính khu vực vườn trường...”.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình này, Trường Tiểu học Tân Hòa Đông đã xây dựng kế hoạch cụ thể, thành lập Ban vận động cha mẹ học sinh, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng giáo viên phối hợp phụ huynh học sinh, các đoàn thể trong và ngoài nhà trường tổ chức thực hiện. Qua từng tiết học, giáo viên tiến hành lồng ghép, hướng dẫn các em các bước thực hiện việc chăm sóc vườn trường. Nhờ sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám hiệu nhà trường, sự ủng hộ của phụ huynh học sinh và sự nhiệt tình của tập thể giáo viên nhà trường, đến nay mô hình “Trồng rau thủy canh” đã đi vào nền nếp và đem lại hiệu quả phấn khởi. Bên cạnh việc thực hiện mô hình “Trồng rau thủy canh”, nhà trường còn thực hiện thêm mô hình “Nuôi gà ri thả vườn” và “Thư viện xanh”.

Từ khi áp dụng việc dạy và học theo phương pháp trải nghiệm thực tế, nhận thức của giáo viên, phụ huynh học sinh về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ngày càng được nâng cao; học sinh từng bước hình thành những kỹ năng sống thiết thực và có ý thức bảo vệ môi trường. “Các em có thể tự tay làm ra những sản phẩm sạch, an toàn phục vụ cho gia đình. Qua đó, giúp các em biết quý trọng sức lao động và thành quả lao động của mình. Thông qua việc thu hoạch từ các sản phẩm làm ra ở vườn trường, các em dùng số tiền đó mua đồ dùng học tập tặng các bạn nghèo” - Hiệu trưởng Trịnh Khắc Tuấn cho biết thêm.
Nói về những dự định trong thời gian tới, Hiệu trưởng Trịnh Khắc Tuấn cho biết: “Trường sẽ tham mưu lãnh đạo xã cấp thêm diện tích đất cho nhà trường để mở rộng việc thực hiện vườn trường. Bên cạnh đó, trường sẽ tham mưu lãnh đạo các cấp có văn bản hướng dẫn mục chi kinh phí và vận động các nguồn tài trợ để đầu tư phát triển mô hình vườn trường”.

PHI CÔNG

.
.
.