Giáo viên và phụ huynh nói gì?
Tiền Giang là tỉnh đã triển khai giảng dạy tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục (TV1-CNGD) từ năm học 2013 - 2014. Tính đến nay, 100% trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã tham gia thực hiện chương trình giảng dạy này.
Qua 5 năm, việc triển khai giảng dạy tài liệu TV1-CNGD đã nhận được sự đồng tình rộng rãi từ phía giáo viên cũng như phụ huynh, học sinh. Bởi việc giảng dạy tài liệu này đã giúp kiến thức tiếng Việt của các em khá vững vàng.
CÔ LƯƠNG THỊ THU HÀ (Giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân, TP. Mỹ Tho): Giáo viên phải xây dựng từng tiết dạy cụ thể
Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân bắt đầu giảng dạy tài liệu TV1-CNGD từ năm học 2013 - 2014. Trước khi đưa vào giảng dạy, nhà trường đã tổ chức cho giáo viên nghiên cứu rất kỹ nội dung, kiến thức chuyên môn của tài liệu.
Điểm thuận lợi của giáo viên lớp 1 giảng dạy tài liệu này là có bộ sách hướng dẫn thực hiện từng tiết dạy rất cụ thể, tỉ mỉ tạo cho giáo viên sự tự tin, thoải mái khi giảng dạy.
Sau hơn 1 học kỳ kể từ năm đầu tiên thực hiện giảng dạy tài liệu TV1-CNGD, cả giáo viên và phụ huynh đều nhận thấy được sự tiến bộ của học sinh. Các em đọc thành thạo, trôi chảy, hiểu rõ cấu tạo, cấu trúc ngữ âm, viết từ, viết câu tốt hơn, ít bị sai chính tả.
Ngay từ khi bắt đầu thực hiện giảng dạy tài liệu TV1-CNGD, năm học nào nhà trường cũng tổ chức họp phụ huynh lớp 1 để giới thiệu những ưu điểm cũng như những điểm khác biệt của tài liệu này so với sách giáo khoa đại trà. Qua đó, phần đông phụ huynh đều đồng tình, ủng hộ.
Tuy nhiên, vẫn còn một số ít phụ huynh hiện nay chưa thật sự ủng hộ việc giảng dạy tài liệu TV1-CNGD, có lẽ vì họ chưa thật sự hiểu được điểm mạnh từ phương pháp giảng dạy này. Công bằng mà nói, bất kể tài liệu TV1-CNGD hay sách giáo khoa nào khi áp dụng giảng dạy cũng đều đảm bảo đúng theo quy định đạt chuẩn kiến thức kỹ năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
THẦY CHÂU ĐĂNG KHOA (Giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân, TP. Mỹ Tho): Học sinh không còn học vẹt
Có thể thấy, mục tiêu cơ bản mà tài liệu TV1-CNGD hướng đến là học sinh có thể biết đọc và nắm vững vàng các quy luật về chính tả.
Là người có kinh nghiệm giảng dạy theo phương pháp CNGD từ năm 1986, thầy Khoa phân tích, với phương pháp dạy truyền thống sẽ khiến học sinh học vẹt, không nắm được kiến thức, viết sai chính tả, còn với cách dạy theo tài liệu TV1-CNGD thì ngay từ đầu, học sinh sẽ được dạy phân tích tiếng bằng tay, luyện đọc theo dãy, theo bàn, theo nhóm…
Các em sẽ được giáo viên luyện đọc ngay mà không còn đánh vần theo cách cũ nữa. Tài liệu TV1-CNGD hướng tới cách dạy học rất bày bản, từ đó rèn luyện cho học sinh đọc một cách chuẩn xác nhất. Bởi khi các em đọc được thì không bao giờ quên và tái mù chữ; đồng thời, viết đúng chính tả.
Để thực hiện phương pháp giảng dạy theo tài liệu TV1-CNGD, đòi hỏi giáo viên chủ động và linh hoạt tìm ra các phương pháp giảng dạy phù hợp, giúp học sinh học tốt. Bên cạnh đó, giáo viên cần đọc và nghiên cứu thật kỹ về tài liệu ngữ âm học.
Với những ngữ liệu khó hiểu thì giáo viên có thể chủ động thay thế từ ngữ sao cho phù hợp với đặc trưng của địa phương hoặc sử dụng hình ảnh để giải thích cho học sinh hiểu. Một điểm mới nữa của bộ tài liệu TV1-CNGD là giáo dục cho học sinh về tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc thông qua các mẫu chuyện về các vị Anh hùng Dân tộc trong lịch sử như: Hai Bà Trưng, Bà Triệu…
CHỊ ĐIÊU NGUYỄN THANH THÚY (phường 10, TP. Mỹ Tho): An tâm khi con học theo tài liệu TV1-CNGD
Trong thời gian gần đây, qua các phương tiện thông tin đại chúng, chị Thúy khá buồn khi nghe dư luận chỉ trích về phương pháp giảng dạy mới theo tài liệu TV1-CNGD.
Bởi thực tế, con trai chị đang học lớp 1 và trong quá trình theo dõi việc học tập của con, chị Thúy nhận thấy, phương pháp giảng dạy theo tài liệu TV1-CNGD là rất hiệu quả và phù hợp với học sinh lớp 1 hiện nay.
Chị Thúy cho biết, mới đầu khi tìm hiểu về tài liệu TV1-CNGD, chị cũng như nhiều phụ huynh khác cảm thấy rất hoang mang và khó hiểu, vì những kiến thức khá phức tạp. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, tìm hiểu và được sự giải thích, hướng dẫn tận tình của giáo viên, chị Thúy đã an tâm hơn khi con học theo tài liệu TV1-CNGD.
Hiện tại, con trai chị Thúy vẫn học rất tốt với cách học mới của tài liệu TV1-CNGD. Chị Thúy cho rằng, với học sinh lớp 1 thì từ ngữ chưa chuẩn xác, những khối hình học như: Hình tròn, tam giác, hình vuông… sẽ được biểu thị nhằm giúp cho học sinh dễ dàng nhận diện về số chữ có trong câu chứ hoàn toàn không tiêu cực như dư luận đồn thổi.
Tuy nhiên, chị Thúy cho rằng, tài liệu TV1-CNGD cũng có một số phần chưa thật sự chuẩn, một số câu chuyện chưa phù hợp, nhất là từ ngữ vùng miền... Do đó, chị Thúy rất tán thành việc sửa chữa, chỉnh lý để học sinh có thể học tập dễ dàng và thuận lợi hơn.
ANH PHAN VĂN BÌNH (xã Long An, huyện Châu Thành): Kiến thức tiếng Việt của các em khá vững vàng
Hiện con anh đã học lớp 3. Tuy nhiên, ở năm học lớp 1, nhà trường có phổ biến cho học sinh tham gia học theo phương pháp tài liệu TV1-CNGD, khi đó, anh thật sự rất lo lắng. Nhưng sau 2 tháng theo học tài liệu TV1-CNGD, con anh Bình đọc chữ trôi chảy, không bị vấp.
Anh Bình càng mừng hơn khi hết học kỳ 1 là con anh đã đọc được đoạn văn ngắn và kết thúc học kỳ 2 là đọc được thơ, bài viết dài một cách thành thạo. Đến nay, khi học lớp 3, con anh đọc, viết rất nhuần nhuyễn, trôi chảy, không sai chính tả.
ĐỖ PHI (lược ghi)