Học sinh có kỹ năng đọc tốt, viết đúng chính tả
Năm học 2018 - 2019 là năm thứ 5 liên tiếp Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức thực hiện giảng dạy tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục (TV1-CNGD). Để hiểu rõ hơn về hiệu quả cũng như hạn chế của việc triển khai giảng dạy tài liệu này trên địa bàn tỉnh hiện nay, phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Hồng Oanh, Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang.
* PV: Xin đồng chí cho biết, việc triển khai giảng dạy tài liệu TV1-CNGD trên địa bàn tỉnh được thực hiện ra sao?
* Đồng chí Nguyễn Hồng Oanh: Ngay từ năm học 2013 - 2014, Bộ GD-ĐT có chủ trương triển khai giảng dạy tài liệu TV1-CNGD. Thực hiện chủ trương này, Sở GD-ĐT tiến hành thực hiện thí điểm và nhân rộng việc giảng dạy tài liệu TV1-CNGD ở tỉnh từ năm học 2013 - 2014 tại 13/226 trường tiểu học. Năm học 2014 - 2015, tiếp tục triển khai thí điểm tại 18/224 trường tiểu học; năm học 2015 - 2016 là 125/224 trường tiểu học. Từ năm học 2016 - 2017 cho đến nay, việc giảng dạy tài liệu TV1-CNGD được triển khai đại trà tại 100% trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, với trên 32 ngàn học sinh tham gia học tập.
Qua mỗi năm học, Sở GD-ĐT đều có tổ chức hội giảng, sinh hoạt chuyên đề, tổ chức hội thảo nhận xét, đánh giá, rút kinh nghiệm về chất lượng, phương pháp dạy học của giáo viên và chất lượng học tập của học sinh. Nội dung của tài liệu TV1-CNGD là viết cho cả nước nên tình trạng một số nội dung, từ ngữ không phù hợp so với địa phương là điều không tránh khỏi. Trong quá trình áp dụng, Sở cũng đã chỉ đạo các trường chủ động lược bỏ và linh động thay thế bằng những nội dung phù hợp với đặc trưng của vùng miền cũng như của tỉnh nhà.
* PV: Theo đồng chí, điểm khác biệt cơ bản của tài liệu TV1-CNGD so với sách giáo khoa đại trà hiện nay như thế nào?
* Đồng chí Nguyễn Hồng Oanh: Tài liệu TV1-CNGD gồm 3 tập với thứ tự là âm - chữ, vần và tự học. Điểm khác biệt cơ bản nhất giữa tài liệuTV1-CNGD so với sách giáo khoa đại trà hiện nay là trình tự dạy đánh vần của tài liệu sẽ là phát âm - âm - con chữ, có nghĩa là sẽ dạy tiếng trước khi dạy chữ. Phương pháp này được xem thuận theo tự nhiên là trẻ biết tiếng trước khi biết chữ. Vấn đề lớn đầu tiên của tài liệu TV1-CNGD là học sinh sẽ được học tách chuỗi lời nói ra thành từng tiếng. Với mỗi tiếng sẽ được ký hiệu bằng một ký tự hình tròn, hình vuông, hình tam giác… Những tiếng nào giống nhau sẽ được đánh dấu bằng màu sắc giống nhau để học sinh dễ hình dung. Mỗi tiếng, học sinh được giáo viên hướng dẫn tách ra 2 phần: Phần đầu và phần vần. Vấn đề lớn thứ 2 của tài liệu TV1-CNGD là học sinh được dạy học theo khoa học của ngữ âm học; cách phân biệt nguyên âm với phụ âm, trong vần có âm chính, âm đệm và âm cuối.
* PV: Việc triển khai giảng dạy tài liệu TV1-CNGD trong 5 năm qua của tỉnh đã mang lại những kết quả cũng như những hạn chế như thế nào, thưa đồng chí?
* Đồng chí Nguyễn Hồng Oanh: Qua 5 năm triển khai thực hiện giảng dạy tài liệu TV1-CNGD cho thấy, học sinh khi tham gia học tập chương trình tài liệu này thì học tập rất nhanh nhẹn, tự tin, nắm chắc tri thức cơ bản về ngữ âm Tiếng Việt (nguyên âm, phụ âm, cấu tạo vần, tiếng, luật chính tả); có kỹ năng đọc tốt, viết đúng chính tả và không xảy ra hiện tượng tái mù chữ. Chất lượng dạy học chương trình tài liệu TV1-CNGD ngày càng tăng, đạt hiệu quả theo từng năm học, tỷ lệ học sinh chưa hoàn thành môn học giảm nhiều. Cụ thể, năm học 2013 - 2014, học sinh chưa hoàn thành môn học chiếm tỷ lệ 2,5% (tỷ lệ này của chương trình đại trà là 2,9%); năm học 2015 - 2016 là 2,3%, đại trà là 2,8%. Từ năm học 2016 - 2017 đến nay, tất cả học sinh lớp 1 đều học Tiếng Việt theo Chương trình CNGD và số lượng học sinh chưa hoàn thành môn học chiếm tỷ lệ rất thấp.
Về mặt hạn chế, thứ nhất, quan điểm của người làm tài liệu TV1-CNGD hướng đến mục tiêu chính là đọc, viết thành thạo; còn về mặt nghĩa thì không cần thiết nên những người viết sách này đã đưa vào những bài thơ, những tác phẩm dân gian khiến nhiều phụ huynh phản ứng là không phù hợp với học sinh. Thứ hai, một số bậc phụ huynh thường không tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt, hướng dẫn của nhà trường về phương pháp học tập của học sinh nên chưa nắm rõ những cách hỗ trợ con em mình học tập tại nhà. Bên cạnh đó, do công tác tuyên truyền việc triển khai giảng dạy tài liệu TV1-CNGD ở một vài trường chưa sâu rộng đến các bậc phụ huynh nên chưa có sự đồng thuận của một số cha mẹ học sinh.
* PV: Tuy nhiên, hiện nay dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về việc triển khai giảng dạy tài liệu TV1-CNGD, còn quan điểm của Sở GD-ĐT thì như thế nào, thưa đồng chí?
* Đồng chí Nguyễn Hồng Oanh: Như phân tích ở trên, tôi hoàn toàn ủng hộ việc thực hiện giảng dạy tài liệu TV1-CNGD. Thực tế, qua khảo sát nhiều phụ huynh có con học chương trình tài liệu TV1-CNGD trong những năm trước và giáo viên dạy lớp 1, thì họ hoàn toàn đồng tình ủng hộ theo phương pháp dạy mới này. Trong tuần này, Sở sẽ họp hiệu trưởng tất cả các trường tiểu học để phổ biến lại những vấn đề cần thiết cho phụ huynh học sinh trong việc áp dụng chương trình tài liệu TV1-CNGD.
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
ĐỖ PHI (thực hiện)